Đất hiếm liệu có trở thành chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc?

6 ngày trước 7
Chú thích ảnhĐất hiếm chuẩn bị xuất khẩu được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố cần thiết cho các sản phẩm công nghệ từ chất bán dẫn đến nam châm công nghiệp và một số loại tấm năng lượng mặt trời, những sản phẩm liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong hơn một năm qua, Bắc Kinh đã dần thắt chặt kiểm soát các khoáng sản thiết yếu và đất hiếm. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu một số công nghệ xử lý đất hiếm. Tháng trước, Trung Quốc tiếp tục siết chặt ngành này. Với lý do bảo vệ tài nguyên và an ninh quốc gia, Bắc Kinh yêu cầu các nhà xuất khẩu phải theo dõi việc sử dụng đất hiếm trong chuỗi cung ứng.

Hiện có lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiếp tục thắt chặt chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Vị thế thống trị đất hiếm của Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã thống lĩnh thị trường đất hiếm nhờ nguồn cung phong phú, chi phí lao động thấp và tiêu chuẩn môi trường nới lỏng. Nước này chiếm 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng tinh chế đất hiếm trên thế giới.

Vào năm 1992, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nhận ra tầm quan trọng chiến lược của đất hiếm khi phát biểu: "Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm".

Theo quy định mới được đưa ra vào tháng trước, tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc hiện thuộc sở hữu của nhà nước. Hai nhà máy tinh luyện đất hiếm của Canada tại Trung Quốc cũng đang được các công ty nhà nước Trung Quốc mua lại.

Trung Quốc từng áp đặt hạn ngạch nghiêm ngặt về đất hiếm vào năm 2010 với lý do bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên. Động thái này đã khiến giá tăng vọt và khiến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì vi phạm thương mại. Trung Quốc thua kiện và dỡ bỏ hạn ngạch vào năm 2015.

Các quốc gia khác đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm sau đợt hạn chế năm 2010 của Trung Quốc, nhưng thành công còn hạn chế do chi phí đầu tư cao và lo ngại về môi trường. Trước căng thẳng ngày càng gia tăng, các nỗ lực gia tăng sản xuất toàn cầu lại được thúc đẩy. Năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp 45 triệu USD cho công ty MP Materials để chế biến ôxít đất hiếm và năm 2023, cấp hơn 288 triệu USD cho Lynas USA để xây dựng cơ sở sản xuất quy mô lớn.

Trung Quốc đang sử dụng lợi thế đất hiếm như thế nào?

Theo ông Rick Waters, Giám đốc điều hành Eurasia Group, việc kiểm soát khoáng sản thiết yếu và đất hiếm là một công cụ mà Bắc Kinh đã phát triển trong bốn năm qua. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế trả đũa lên nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc có ít lợi thế trong cuộc chiến thuế quan vì xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu. Do đó, Trung Quốc đã nghĩ ra khung quy định khác, liên quan đến đất hiếm, có thể dùng trong tranh chấp thương mại.

Ông Waters cho rằng thắt chặt thêm nữa nguồn cung đất hiếm có thể khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước các cú sốc nguồn cung. Trước đó hồi tháng 9, Nhà Trắng ra tuyên bố bày tỏ lo ngại Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát thị trường chế biến và tinh chế các khoáng sản thiết yếu, khiến Mỹ và các đồng minh dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và quốc phòng.

Ảnh hưởng của hạn chế đất hiếm lên các công ty sản xuất chip

Quyền kiểm soát đất hiếm của Trung Quốc có thể gây tác động nặng nề trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó chip là trung tâm xung đột. Chip có mặt trong mọi thứ từ máy tính, điện thoại, ô tô đến thiết bị quốc phòng. Đài Loan (Trung Quốc) chiếm ưu thế trên thị trường này, sản xuất hơn 60% số chip toàn cầu và hơn 90% chip tiên tiến nhất.

Công ty Sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan chiếm phần lớn sản lượng và là nhà cung cấp chủ chốt cho tập đoàn Nvidia (Mỹ), một trong những đối thủ chính trong cuộc cạnh tranh công nghệ.

Mỹ đã chặn xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Nếu căng thẳng thương mại leo thang, chẳng hạn với mức thuế cao hơn, Trung Quốc có thể sử dụng lợi thế đất hiếm của mình, như dự báo của Oxford Economics trong báo cáo tháng 7.

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Louise Loo, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, lợi thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng pin mang lại cho các nhà hoạch định chính sách quyền giữ lại những đầu vào quan trọng đối với các nhà sản xuất phương Tây, điều này có thể gây “lạm phát và rối loạn kinh tế".

Cuộc chiến tranh lạnh trong công nghệ

Cuộc đua giành ưu thế công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến một số nhà phân tích so sánh tình hình hiện tại với chiến tranh lạnh.

Ông Zongyuan Zoe Liu, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ) , nhận xét rằng nỗ lực của Mỹ nhằm vượt qua Trung Quốc và ngăn quốc gia này phát triển chip tiên tiến là một phần của "câu chuyện cạnh tranh siêu cường".

Hãng tin Bloomberg gần đây đưa tin rằng Mỹ đang xem xét hạn chế cấp phép xuất khẩu cho cả Nvidia và AMD trong cuộc chiến thương mại đang mở rộng sang nhiều ngành nhạy cảm khác, bao gồm xe điện, pin và một số loại tấm năng lượng mặt trời.

Theo ông Nick Vyas, Giám đốc sáng lập Viện Chuỗi cung ứng Toàn cầu Randall R. Kendrick tại USC Marshall, bên cạnh mối quan hệ căng thẳng, tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang tạo ra các hệ thống song song, trong đó Mỹ và đồng minh ở một phía, còn Trung Quốc và đồng minh ở bên kia “chiến tuyến”. 

Ông Vyas bày tỏ lo ngại căng thẳng này có thể leo thang từ chiến tranh lạnh mới thành xung đột nóng giữa các cường quốc toàn cầu. 

Nguồn bài viết