Đảm bảo tính thống nhất chính sách hỗ trợ nhà ở người có công

1 tháng trước 23

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến, với nội dung kiến nghị: “Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã được quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, được xác định trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 2161/QĐ-TTg cùng các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo tại khu vực nông thôn có khó khăn về nhà ở”.

Chú thích ảnhMột căn nhà dột nát ở huyện Thạch An (Cao Bằng) được lực lượng công an huyện, dân quân, biên phòng hỗ trợ tháo dỡ để xây mới. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo cử tri đến nay, các chính sách cụ thể để triển khai thực hiện chưa được ban hành. Vì vậy, cử tri đề nghị sớm ban hành quy định cụ thể về mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện chính sách kịp thời.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có thông tin như sau:

Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng:

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, ngày 19/12/2022, Bộ Xây dựng đã đã có Tờ trình số 61/TTr-BXD kèm theo dự thảo Quyết định quy định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, việc ban hành chính sách này gặp khó khăn, vướng mắc do còn có ý kiến khác nhau của các Bộ ngành trong việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương thực hiện (vốn sự nghiệp hoặc vốn đầu tư phát triển).

Do vậy, ngày 17/4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1614/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn thực hiện các chính sách.

Đến ngày 22/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ với các Bộ ngành: Xây dựng, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Tài chính, Văn phòng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng bão lụt.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 248/TB-VPCP ngày 29/5 về kết luận cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có các văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp, thực hiện các nội dung tại Thông báo kết luận số 248/TB-VPCP để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định nêu trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tại văn bản số 4422/BXD-QLN ngày 5/8/. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các phần việc cần thiết sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chính sách sớm được ban hành.

Ngày 27/9, Thường trực Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định mức hỗ trợ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 kèm theo Tờ trình số 61/TTr-BXD và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách này.

Đối với các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo tại khu vực nông thôn có khó khăn về nhà ở và đối với các chính sách hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn có khó khăn về nhà ở:

Bộ Xây dựng cũng đã có các dự thảo trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt như: Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 kèm theo Tờ trình số 60/TTr-BXD; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 kèm theo Tờ trình số 62/TTr-BXD.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho hay, việc ban hành 2 chính sách này gặp khó khăn, vướng mắc do còn có ý kiến khác nhau của các Bộ ngành trong việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương thực hiện (vốn sự nghiệp hoặc vốn đầu tư phát triển)…

Do vậy, ngày 17/4, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1614/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng về nguồn vốn thực hiện các chính sách.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của các Bộ ngành, địa phương để hoàn thiện hồ sơ dự thảo 2 Quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng về phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên cả nước với tinh thần tương thân, tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau; Quyết định số 656/QĐ-TTg thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 43/TTr-BXD ngày 9/9/2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh thực hiện chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng thời, Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định Thủ tướng về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành...

"Như vậy, các chính sách hỗ trợ nhà ở nêu trên sẽ đảm bảo tính thống nhất, tập trung và kịp thời việc thực hiện trong thời gian tới", Bộ Xây dựng trả lời cử tri.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp từ các địa phương: Đến nay, cả nước có khoảng 400.000 nhà tạm, dột nát. Trong đó có khoảng 200.000 nhà người có công thực hiện từ vốn ngân sách; hơn 80.000 nhà của hộ nghèo, cận nghèo thực hiện theo nguồn vốn chương trình mục tiêu; hơn 153.000 nhà hộ nghèo, cận nghèo khó khăn thực hiện ngoài vốn ngân sách, huy động nguồn xã hội hoá.
Nguồn bài viết