Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022 ngày 11-6 - Ảnh: TTXVN
Trong bài phát biểu tại phiên thứ 4 của Đối thoại Shangri-La 2022 (SLD22) ngày 11-6, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội, xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị.
"Để tăng cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương tập trung hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình", ông Phan Văn Giang khẳng định.
"Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình", ông nói và nhắc lại nguyên tắc "4 không" của Việt Nam.
Đó là: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống lại nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
"Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, chúng tôi kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cam kết thực thi nghiêm túc DOC và mong muốn hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, việc tăng cường năng lực quốc phòng cần minh bạch bởi nếu không sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang.
"Hệ lụy là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra, có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực quốc gia ấy được dành cho phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống", người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu lập luận.
Theo TTXVN, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã thu hút sự theo dõi đặc biệt của các đại biểu, diễn giả và các nhà quan sát quốc tế dự SLD22.
Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 500 diễn giả và khách mời, đại biểu được tổ chức sau hai năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Sau bài phát biểu, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã trả lời một số câu hỏi của các đại biểu tại SLD22.