Đại sứ Mỹ tại Indonesia, ông Sung Kim - Ảnh: Bloomberg
"Thỏa thuận sẽ củng cố hợp tác hiện tại của chúng tôi với các nước chủ chốt như Indonesia để đảm bảo chúng ta có được một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tôn trọng luật pháp" - Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Sung Kim phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến ngày 29-9.
Đại sứ Mỹ nói rằng ông không lo việc thỏa thuận có thể khơi mào chạy đua vũ trang hay phổ biến hạt nhân, thay vào đó, nhấn mạnh đây là một sáng kiến tích cực, có lợi cho Indonesia.
Ông Kim cũng khẳng định cả nước tham gia AUKUS tôn trọng sự trung lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
"Chúng tôi không yêu cầu nước nào, bao gồm Indonesia, phải lựa chọn giữa Mỹ hay nước nào khác" - ông nói.
Theo thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh.
Liên minh này khiến một số nước trong khu vực lo ngại. Indonesia và Malaysia cho rằng AUKUS có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
"Thỏa thuận này sẽ kích động các cường quốc khác cũng hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông", Văn phòng Thủ tướng Malaysia ra tuyên bố ngày 18-9.
Trong tháng 9-2021, Indonesia đã tăng cường tuần tra trên Biển Đông sau khi phát hiện các tàu của Mỹ và Trung Quốc tại đây.
Ngược lại, Philippines tỏ rõ ủng hộ AUKUS, cho rằng nó sẽ giúp cân bằng sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 28-9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong bình luận đầu tiên về AUKUS cũng cho rằng thỏa thuận này gây căng thẳng địa chính trị, chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hạt nhân.
"Chúng tôi kêu gọi 3 nước thuận theo thời đại và đóng vai trò xây dựng trong hòa bình và sự ổn định khu vực" - ông Vương nói.