Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun giơ 3 ngón tay khi phát biểu tại LHQ. Đây vốn là biểu tượng quen thuộc xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar - Ảnh chụp màn hình
Sau cuộc đảo chính ngày 1-2, quân đội Myanmar đã tiến hành thay thế một loạt vị trí quan trọng trong chính phủ do Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thành lập. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar dường như đã quên đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc, ông Kyaw Moe Tun.
Vị đại sứ được bà Aung San Suu Kyi bổ nhiệm đã không bỏ lỡ cơ hội kêu gọi thế giới cứu lấy đất nước Myanmar ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 26-2.
Trong bài phát biểu được những người ủng hộ NLD mô tả là "bất khuất" và "không sợ hãi", đại sứ Kyaw Moe Tun đã đứng về chính phủ dân sự NLD. Ông nhấn mạnh kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020 đã phản ánh đúng ý nguyện của nhân dân, trong đó NLD đã giành chiến thắng vang dội để tự mình thành lập chính phủ.
"Tuy nhiên, quân đội Myanmar đã hoàn toàn phớt lờ những mong muốn của nhân dân và tiến hành cuộc đảo chính ngày 1-2-2021, đúng vào ngày Quốc hội mới chuẩn bị họp phiên đầu tiên. Họ đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint, các chính khách và những nhà hoạt động chính trị khác", ông Kyaw Moe Tun đặt vấn đề.
Trang Myanmar Now ngày 26-2 dẫn các nguồn tin trong NLD cho biết bà Aung San Suu Kyi đã bị quân đội chuyển tới một nơi giam giữ bí mật cách đây 6 ngày. Trước đó bà được cho là đang bị quản thúc tại nhà riêng ở thủ đô Naypyidaw.
Đã không ít lần giọng của ông như nghẹn lại khi nhắc đến tình cảnh nước nhà, khi lại hùng hồn lên án quân đội và khẩn thiết khi kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế.
“Chúng ta cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho người dân và khôi phục nền dân chủ", đại sứ Kyaw Moe Tun khẩn thiết kêu gọi.
Hãng tin Reuters mô tả những tràng pháo tay đã vang lên tại phòng họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sau khi ông Kyaw Moe Tun kết thúc bài phát biểu. Hình ảnh, nét mặt cương nghị của ông tràn ngập khắp mạng xã hội Myanmar, nơi người ta ca ngợi ông như anh hùng.
"Xin cảm ơn ông vì đã dám nói lên tiếng nói của người dân Myanmar", một người dùng Twitter ở Myanmar tỏ ra cảm kích.
Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về tình hình Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, cùng ngày 26-2 đã kêu gọi các nước không công nhận chính phủ quân sự Myanmar và làm mọi cách có thể để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia này.
“Nếu có bất kỳ sự leo thang nào về mặt đàn áp bằng quân đội, trong đó họ chống lại người dân đang thực hiện các quyền cơ bản của mình, chúng ta phải hành động nhanh chóng và tập thể”, bà Burgener kêu gọi.