Đại dịch COVID-19: Nắm bắt cơ hội, tung ra dự án khởi nghiệp vì giáo dục

3 năm trước 385
 Nắm bắt cơ hội, tung ra dự án khởi nghiệp vì giáo dục - Ảnh 1.

Talkshow "Tri thức trẻ vì giáo dục" số thứ 3 diễn ra theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh chụp màn hình

Ngày 29-8 diễn ra talkshow trực tuyến Tri thức trẻ vì giáo dục số 3 với chủ đề "Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - cơ hội và thách thức".

Chương trình nằm trong khuôn khổ Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tại talkshow trực tuyến, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức, cơ hội khi tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi những phương pháp giáo dục truyền thống.

Từ đó, đưa ra gợi mở cho các tác giả trẻ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mang tính hiện đại, phù hợp với tình hình mới để góp phần khởi nghiệp thành công, cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam.

 Nắm bắt cơ hội, tung ra dự án khởi nghiệp vì giáo dục - Ảnh 2.

Tại điểm cầu Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng chia sẻ về những thách thức, cơ hội trong dịch COVID-19, từ đó giúp các tác giả biến thách thức thành cơ hội - Ảnh chụp màn hình

Để khởi nghiệp "vì giáo dục", tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng, giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trung ương Đoàn, cho rằng đây là một lĩnh vực khá khó, do đó đòi hỏi tác giả phải là những người đi sâu, có thực tiễn trải nghiệm giáo dục để nhìn nhận ra được những hạn chế, những kẽ hở, thách thức và tìm ra cơ hội trong chính thách thức đó.

Cùng với đó, trước khi lập dự án cần đưa ra mục tiêu tài chính, lợi nhuận ngay từ đầu thì mới có thể đưa dự án tiến xa hơn.

"Có vẻ khi nhắc đến giáo dục thì chúng ta rất e ngại trong việc nhắc đến lợi nhuận tạo ra trong chương trình hay dự án khởi nghiệp. Nhưng tôi nghĩ, đây là một trong những yếu tố để đánh giá năng lực và tính phù hợp của dự án khởi nghiệp giáo dục có thành công hay không", ông Tùng nhìn nhận.

Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, chỉ ra thách thức lớn mà nền giáo dục toàn cầu cũng như Việt Nam đang phải đối mặt, nhưng ông Tùng cho rằng đây cũng là cơ hội để phát triển mô hình khởi nghiệp, mô hình đào tạo giáo dục từ xa.

"Cần phải sáng tạo ra công nghệ, mô hình giáo dục để dù cho không đến trường, không được học trực tiếp với giáo viên nhưng chất lượng, môi trường giáo dục không ảnh hưởng đến mục tiêu chung, chất lượng chung của giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới" - ông Tùng nói.

 Nắm bắt cơ hội, tung ra dự án khởi nghiệp vì giáo dục - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An chia sẻ thêm về việc triển khai ứng dụng Jobway dù trong bối cảnh đại dịch - Ảnh chụp màn hình

Trong talkshow còn kết nối trực tiếp với hai tác giả đã từng đoạt giải cao nhất của Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục các năm trước.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, trưởng nhóm tác giả công trình "Ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay", chia sẻ, sau khi đoạt giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 đã nhận được nhiều "đặt hàng" của các tỉnh, thành đoàn, các cơ sở giáo dục để triển khai ứng dụng này.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng thông qua nền tảng trực tuyến đã tổ chức nhiều sự kiện tư vấn hướng nghiệp với 220.000 lượt tiếp cận, tiếp sóng hơn 80.000 người xem là sinh viên, học sinh, thầy cô trong các kỳ thi.

Cho rằng quá trình biến ý tưởng khởi nghiệp đến sản phẩm được xã hội đón nhận là quá trình đầy chông gai, thử thách, tiến sĩ Hòa An cho rằng điều quan trọng nhất là đội ngũ sáng lập các dự án vì giáo dục phải đáp ứng ba yếu tố: tâm - tầm - tài năng.

Ông Nguyễn Huy Du, giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển giáo dục thông minh, tác giả công trình "The Smart Light - Đèn học thông minh công nghệ 4.0" đoạt giải thưởng năm 2018, cũng cho rằng cần tìm thêm đồng đội trong quá trình khởi nghiệp, bởi cán đích được hay không cần phải có đồng đội tâm huyết với sản phẩm của mình.

Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Thời gian nhận hồ sơ công trình, sáng kiến bắt đầu từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9. Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: [email protected].

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra 5 talkshow với những chủ đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục nhằm định hướng, gợi mở cho các tác giả trẻ trong quá trình nghiên cứu, phát triển những công trình, sáng kiến của mình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Nâng cao chất lượng giáo dục trực tuyến một cách toàn diệnNâng cao chất lượng giáo dục trực tuyến một cách toàn diện

Việc học trực tuyến giữa đại dịch đã đặt ra câu hỏi làm thế nào bảo đảm chất lượng nhanh chóng. Giờ đây các cuộc thảo luận xoáy sâu vào cách xác định nhu cầu thực sự của người học và dùng phản hồi để cải thiện chất lượng.

Nguồn bài viết