Ông Hồ Đức Phớc thông tin về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 8-6, trong phần cuối trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tập trung giải đáp những ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội trong khi còn tới 45 đại biểu Quốc hội bấm nút nhưng không đủ thời gian chất vấn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chỉ ra trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 đạt 25% GDP, nhưng tới cuối năm 2021 quy mô hơn 18% GDP, tức gần 51 tỉ USD. "Nếu so với năm 2018 quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 3 lần, phải chăng vừa qua đã buông lỏng, cảnh báo vừa qua của bộ trưởng không hiệu quả?" - ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Nêu thêm thông tin từ thanh tra Bộ Tài chính, trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Có doanh nghiệp phát hành gấp chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao, gần 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỉ nhưng phát hành hơn 7.200 tỉ đồng, tức tỉ lệ phát hành gấp vốn chủ sở hữu là 47 lần…
"Cần giải pháp quản lý để 51 tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng trong nhà đất những năm trước đây. Ngoài ra cần giải pháp cho tương lai, nhưng quan trọng nhất là phải có giải pháp để số 51 tỉ USD không phát sinh vấn đề" - ông Nghĩa đề nghị.
Trong khi đó, nêu vấn đề liên quan đến chống thất thu thuế trong doanh nghiệp bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng hướng dẫn không rõ ràng, mỗi nơi một kiểu nên dẫn tới tình trạng kê khai giá nhiều lần, giá đất quy định thấp hơn giá thị trường nhiều. Một nghịch lý đặt ra là thu thuế thì theo giá thị trường còn đền bù đất thì lại theo giá quy định, đại biểu đặt câu hỏi "liệu có bất bình đẳng hay không"?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay với trái phiếu doanh nghiệp qua số liệu theo dõi là tương đương 15%. Trấn an đại biểu trước câu hỏi từ trước đến nay có trường hợp nào trái phiếu doanh nghiệp không đảo nợ, không trả nợ được không, ông Phớc cho hay chỉ có trường hợp Tân Hoàng Minh không trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp đến hạn là trả được nợ. Tức là dòng vốn vẫn trung chuyển và được trả bình thường.
Về phát hành trái phiếu riêng lẻ, với vai trò là cơ quan hành pháp, phải thực hiện theo đúng luật pháp là Luật chứng khoán và nghị định 53. Do đó, trong phát hành trái phiếu riêng lẻ, cơ quan nhà nước đều không cấp phép, cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành và vay trả, không can thiệp vào doanh nghiệp. Luật chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành… Việc xử lý những vụ việc vừa qua là do phát hành không đúng quy định.
Với vấn đề được đại biểu Phan Thái Bình nêu liên quan đến việc hướng dẫn không rõ ràng trong xác định giá đất, bộ trưởng Bộ Tài chính băn khoăn là "không rõ hướng dẫn không rõ ràng, hay hiểu không rõ ràng". Ông cho rằng có thể do "hiểu không rõ ràng", bởi hướng dẫn đã có các quy định nói rõ, trong trường hợp hợp đồng không ghi giá hoặc ghi giá thấp hơn Nhà nước quy định, thì thu theo bảng giá đất Nhà nước quy định.
"Việc hai bên chuyển nhượng cho nhau thì phải ghi theo đúng giá chuyển nhượng, nếu không đúng là trốn thuế, điều tra ra là vi phạm luật thuế. Thực tế được chứng minh trong chưa đầy 5 tháng chúng tôi đã thu tăng 6.500 tỉ đồng" - ông Phớc thông tin thêm trường hợp một gia đình chuyển nhượng từ 500 triệu kê lên 10 tỉ đồng ở Cục Thuế Thủ Đức.
Với vấn đề cho rằng thu tiền đất giá cao và đền bù giá thấp, ông Phớc nói hoàn toàn không đúng. Bởi giá đất gắn liền với sử dụng đất, đất đây là chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp khác, đất sản xuất kinh doanh khác.
Theo quy định với đất ở, khi đền bù theo giá thỏa thuận, còn trường hợp cơ quan nhà nước lấy đất thì đền bù theo giá của Nhà nước có hệ số điều chỉnh do UBND tỉnh quyết định, nguyên tắc phải sát giá thị trường. Khi thu hồi đất và đền bù với nộp thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng phải thực hiện theo đúng mục đích sử dụng.