4 năm sau, cô sinh viên mồ côi Nguyễn Thị Nguyên đã thực hiện được cam kết của bản thân với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu - Ảnh: HÀ THANH
Từng đỗ vào đại học, suốt 3 năm trên ghế giảng đường, Nguyễn Thị Nguyên (ở Hà Nội) xoay trở đủ nghề để có tiền trang trải, nhưng sức vóc của cô gái trẻ chẳng trụ đỡ nổi. Nguyên bỏ học.
Mải miết kiếm tiền, nhưng đêm về Nguyên nhớ lại lời trăng trối của mẹ lúc lâm chung: "Không được bỏ học". Cô xốc lại hành trang, bước tiếp đến giảng đường Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định trong khi nhiều bạn bè đã kết hôn, sinh con.
Sau 4 năm, học bổng Tiếp sức đến trường đã tiếp sức cho Nguyên chinh phục ước mơ - Video: HÀ THANH
Bù đắp thời gian "đứt gánh học"
"Nhận số tiền 10 triệu đồng/suất học bổng Tiếp sức đến trường là điều may mắn lớn lao, lúc đó 10 triệu đồng lớn lắm, giúp mình đóng học được 1 năm và an tâm hơn với việc học" - Nguyên nhớ lại.
Không có cha, mẹ qua đời sớm, cô chia sẻ, học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ năm 2017 đã mang lại rất nhiều may mắn cho cô trong suốt 4 năm đại học và rinh về thêm nhiều giải thưởng, học bổng khác.
Tôi luôn tự hào vì đã sử dụng đúng số tiền quỹ học bổng Tiếp sức đến trường trao gửi vào việc học hành. Số tiền học bổng tuy không quá lớn nhưng có ý nghĩa trong quá trình học, có ý nghĩa cho tương lai của mình.
NGUYỄN THỊ NGUYÊN
Nguyên nỗ lực không ngừng, mỗi ngày cô đều tận dụng tốt quỹ thời gian để đầu tư cho việc học, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân - Ảnh: NVCC
Có tiền học bổng, Nguyên dành nhiều thời gian và sức lực hơn để đầu tư cho việc học. Đến năm thứ hai, Nguyên đăng ký học thêm ngành dược để giúp ích hơn cho công việc sau này. Tối đến, cô còn đăng ký học tiếng Nhật để bước gần hơn với ước mơ.
"Tôi luôn lên kế hoạch sẵn cho bản thân, trước lúc đi ngủ sẽ lập kế hoạch cho ngày hôm sau. Lúc nào cũng trong tình trạng giờ này đang làm gì nên không có thời gian mà buồn nữa" - cô gái nhỏ trải lòng.
Vui vì được giúp đỡ mọi người
Ngày Nguyên xách balô đi học, cụ Gái (tên thường gọi ở nhà) còn minh mẫn, hễ thấy Nguyên đi học về là mừng rỡ gọi tên cháu ngoại từ xa. Nhưng nay đã ngoài 90 tuổi, cụ không còn nhận ra người thân nữa. Nguyên bộc bạch, học ngành điều dưỡng đã giúp ích cô rất nhiều trong quá trình chăm sóc bà cũng như tư vấn sức khỏe cho bạn bè, người thân lúc cần thiết.
"Xuất phát từ bản thân gia đình, mẹ mất vì bệnh tật nên tôi mong ước được theo học ngành điều dưỡng, trước là để tự chăm sóc cho bản thân mình, sau là chăm sóc cho những người xung quanh" - cô quả quyết.
4 năm qua, Nguyên cất giữ tờ báo Tuổi Trẻ có bài viết về giấc mơ điều dưỡng để tiếp thêm động lực cho bản thân chinh phục được giấc mơ của mình - Ảnh: NVCC
Với nỗ lực bền bỉ, sau 4 năm theo đuổi giảng đường, Nguyễn Thị Nguyên đã mang về "quả ngọt", tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và sắp sửa nhận thêm tấm bằng tốt nghiệp ngành dược.
Cuối tháng 11, Nguyên sẽ lên đường đi Nhật du học. Trong lúc chờ chuyến bay, cô xin làm công việc chăm sóc trẻ sơ sinh, đồng thời dốc sức ôn luyện tiếng Nhật.
"Làm điều dưỡng ở Nhật Bản đòi hỏi chuyên môn cao, tính tỉ mỉ, cẩn trọng, chỉn chu. Bản thân không vướng bận gì nên tôi quyết định đi du học để theo đuổi giấc mơ của mình. Chắc ở trên trời mẹ cũng tự hào về con gái đã dũng cảm, không bỏ học nữa" - Nguyên bày tỏ.
Đầu tư cho tương lai
Sau 4 năm với khối lượng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong cả hai chuyên ngành y - dược, trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, Nguyên đã nhận được rất nhiều lời mời của các nhà tuyển dụng.
"Tôi mong rằng các bạn tân sinh viên được nhận học bổng hãy suy nghĩ nên đầu tư học, hoặc có thể đầu tư cho ngoại ngữ. Nhờ đó giúp mình vượt lên, tự tin, mở rộng cơ hội việc làm, vị trí tốt hơn ngay khi vừa ra trường" - Nguyễn Thị Nguyên nhắn nhủ đến các tân sinh viên.
Đồ họa: NGỌC THÀNH