Việc chụp X-quang ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ giúp người dân phát hiện ra bệnh chỉ trong vài phút.
Chương trình này nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An giai đoạn 2022-2025 do Sở Y tế TP.HCM chủ trì.
Cùng có mặt trên chuyến tàu ra đảo Thạnh An chứng kiến "sự kiện lịch sử" này, ngoài giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, còn có hai phó giám đốc gồm ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu và ông Nguyễn Anh Dũng.
Đây được coi là "sự kiện lịch sử" bởi lần đầu tiên hệ thống máy X-quang kỹ thuật số tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh được đưa vào hoạt động tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An (Cần Giờ).
Hệ thống này sẽ đồng thời giúp các bác sĩ hội chẩn từ xa (telemedicine) với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân sống trên xã đảo.
Ông Tăng Chí Thượng nói đây là điều "tưởng chừng khó có thể trở thành hiện thực" cho công tác khám chữa bệnh ban đầu tại một trạm y tế, đặc biệt hơn nữa lại là trạm y tế của một xã đảo cách xa đất liền.
Và để có được sự chuyển biến tích cực này, trong hơn một năm trở lại đây đã có rất nhiều chuyến khảo sát thực địa của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cùng nhiều sở, ban, ngành để cùng "lắng nghe tiếng nói từ đảo".
Từ 3 ngày trước, các kỹ sư, cùng với các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) đã có mặt tại đảo để lắp ráp máy X-quang tích hợp ứng dụng AI.
"Ứng dụng AI và PACs (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh) trong chẩn đoán X-quang phổi tại những nơi không có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đã được áp dụng nhiều tại các nước phát triển trên thế giới và sẽ là lần đầu được áp dụng tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An.
Việc vận hành quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ hiện đại bậc nhất có thể nói là đầu tiên ở Việt Nam" - ông Thượng khẳng định.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo AI được ứng dụng trên đảo.
Cùng với ứng dụng công nghệ, bước đầu sẽ có 36 bác sĩ từ 18 bệnh viện của TP.HCM tình nguyện ra đảo. Ông Thượng nói rất xúc động khi đợt này có 4 bác sĩ trẻ từ Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Nhân Ái đã xung phong ra đảo vì sức khỏe cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc sơ cấp cứu và khám chữa bệnh ban đầu, các bác sĩ trẻ còn đảm trách nhiệm vụ khám tầm soát các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi như cao huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn…
Điều đặc biệt họ sẽ được tiếp cận, sử dụng công nghệ AI trong chẩn đoán hình ảnh nhằm hỗ trợ phát hiện các bất thường trên phim X-quang phổi. Đồng nghĩa người dân xã đảo không chỉ được tầm soát mà còn được các bác sĩ trực tiếp chăm sóc và điều trị các bệnh mạn tính không lây, vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nhiều các nước trên thế giới.
Với sự chung tay của toàn xã hội, tin rằng người dân xã đảo sẽ bớt đi những lần thót tim khi đổ bệnh, xã đảo tuy xa sẽ rất gần…
Các bác sĩ trẻ tình nguyện ra đảo đợt này đều cho rằng đây là chương trình ý nghĩa và cũng là dịp để họ cống hiến, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn trong chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Với việc đưa hệ thống AI vào vận hành tại xã đảo xa đất liền, ông Thượng bày tỏ niềm tự hào bởi đến nay chỉ có các nước tiên tiến mới làm được. "Với sự hỗ trợ từ AI, cùng với năng lực tại chỗ và hội chẩn từ xa, chắc chắn chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân sẽ tốt hơn" - ông Thượng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết nâng cao năng lực y tế cơ sở là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay và những năm sắp tới của ngành y tế TP.HCM.
Trong 7 hoạt động chính của chương trình, có một số chương trình đáng chú ý như luân phiên các đợt khám chuyên khoa miễn phí, định kỳ 3 tháng/lần; lập hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp mỗi người dân tự theo dõi và cập nhật các thông số sức khỏe; chuyển những túi thuốc và dụng cụ sơ cứu trên biển đến các hộ gia đình đánh bắt xa bờ.
Đặc biệt sẽ đầu tư xây mới Trạm Y tế xã đảo Thạnh An đạt chuẩn, phù hợp với điều kiện và có các trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa, với quy mô 1 trệt, 1 lầu, gồm 10 phòng chức năng, một khu mổ cấp cứu, hệ thống hội chẩn từ xa. Tổng mức đầu tư ước tính gần 40 tỉ đồng.
Và trong tương lai sẽ xây dựng hệ thống cấp cứu đường thủy. "Đây là chương trình ý nghĩa của ngành y tế TP, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam" - ông Châu khẳng định.
Các bác sĩ trẻ tình nguyện ra đảo đợt này đều cho rằng đây là chương trình ý nghĩa và cũng là dịp để những bác sĩ trẻ cống hiến.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu (bên phải) - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết nâng cao năng lực y tế cơ sở là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay và những năm sắp tới của ngành y tế TP.HCM.
Với sự hỗ trợ từ AI, cùng với năng lực tại chỗ và hội chẩn từ xa, chắc chắn chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân sẽ tốt hơn.
Bộ đội biên phòng vận chuyển đồ dùng thiết yếu cho người dân xã đảo.
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - kỳ vọng trí tuệ nhân tạo được đưa ra đảo sẽ giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế tốt hơn.