Đông Âu bị kẹt giữa cuộc chiến 5G của Mỹ - Trung

3 năm trước 573
Các quốc gia không phải thành viên EU trong khu vực Balkan bị xem như đấu trường để các cường quốc thế giới đua nhau giành phạm vi ảnh hưởng. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong việc đưa công nghệ 5G đến vùng Balkan. 
Suốt những năm qua, hầu hết quốc gia trong khu vực đã trở thành một phần của sáng kiến bảo mật 5G do Mỹ tạo ra, gọi là "Clean Network" (mạng lưới sạch). Bắc Macedonia, Bulgaria và Kosovo là các quốc gia mới tham gia vào tháng 10.2020. Hiện Clean Network có 53 quốc gia thành viên và 180 công ty viễn thông.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sáng kiến của họ được tạo ra để giải quyết "các mối đe dọa lâu dài đối với quyền riêng tư dữ liệu, bảo mật và nhân quyền". Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE "không đáng tin cậy".
Huawei có tiếng nói trong khu vực Balkan nhờ mối quan hệ tốt với Serbia - cũng là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất khu vực này. Mặc dù không chính thức là một phần của Clean Network nhưng chính quyền Serbia vẫn ký thỏa thuận hợp tác với Washington (Mỹ) vào năm ngoái, cam kết không sử dụng thiết bị 5G từ "những nhà cung cấp không đáng tin cậy". Thỏa thuận tránh nhắc tới Trung Quốc hay Huawei.
Đông Âu bị kẹt giữa cuộc chiến 5G của Mỹ - Trung - ảnh 1

Mỹ muốn can thiệp vào quan hệ giữa Huawei và Serbia

Ảnh chụp màn hình

Theo Vuk Vuksanovic - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), trường hợp Serbia cho thấy khu vực Balkan đang gặp khó khăn trong việc chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vuksanovic nói với ZDNet: "[Thỏa thuận] không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay Huawei, nhưng mọi người đều biết đây là con cá mà Mỹ muốn rán. Các quốc gia trong khu vực sẽ ngày càng khó tìm được sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, Mỹ sẽ cố gắng đẩy lùi tham vọng 5G của Huawei trong khu vực".
Serbia dự kiến bắt đầu triển khai 5G từ năm 2021 nhưng đành chọn hoãn kế hoạch. Dù có khả năng do thiếu ngân sách nhưng các nhà chức trách Serbia lại tuyên bố "người dân Serbia không cần mạng 5G".
Bên cạnh đó, các quốc gia Balkan là thành viên của EU như Slovenia và Croatia đã hưởng lợi từ việc triển khai sớm 5G. Mùa hè năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ ICT Telekom Slovenia ra mắt dịch vụ 5G đầu tiên ở Slovenia với mục tiêu mở rộng khả năng truyền tải của các mạng di động hiện có và đảm bảo quá trình phát triển Internet vạn vật (IoT). 
Matjaz Bericic - CTO của Telekom Slovenia nói với ZDNet: "Vì mọi tương lai đều mở ra từ viên gạch đầu tiên, chúng tôi đã chọn khởi đầu bằng cách nâng cấp công nghệ di động hiện có, dựa trên các tiêu chuẩn an toàn và bảo mật được chúng tôi hoàn thiện trong nhiều thập niên".
Tại nước láng giềng Croatia, nhà mạng di động A1 của Áo cũng đang nỗ lực giới thiệu mạng 5G đến hơn 70 thành phố. Cả Telekom Slovenia và A1 đều dùng công nghệ của Ericsson
Macedonia và Albania cũng đang bắt đầu quá trình giới thiệu 5G vì tin vào cơ hội cải thiện cơ sở hạ tầng và phục hồi nền kinh tế mà công nghệ này mang lại.
Petar Popovski - giáo sư về kết nối không dây tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch nói với ZDNet: "Cơ sở hạ tầng kết nối đáng tin cậy đang trở thành một món hàng cần phải có, cũng như điện hoặc nước. Theo nghĩa đó, chiến lược triển khai 5G và cấp phép tần số sẽ là cơ hội lớn cho cả khu vực, vì 5G được xem là một phần cơ sở hạ tầng tiên tiến có thể thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất công nghiệp hoặc công ty đa phương tiện".
Nguồn bài viết