Ông Trần Trọng Dũng (phải), phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Quang, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên - Ảnh: TẤN LỰC
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn và Đài phát thanh - truyền hình Quảng Trị tổ chức. Đây là năm thứ 20 chương trình đồng hành cùng tân sinh viên nghèo tỉnh này.
Theo đó, mỗi suất học bổng năm nay trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Tổng trị giá học bổng năm nay là 1,5 tỉ đồng, do Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị tài trợ.
Những tân sinh viên được nhận học bổng năm nay được lựa chọn từ hàng trăm tân sinh viên của tỉnh Quảng Trị vừa đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đây là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong 100 bạn được chọn trao học bổng lần này, có 80 bạn sẽ được nhận trực tiếp, 20 bạn còn lại đã nhập trường ở các tỉnh xa sẽ được nhận sau đó.
Bạn Hồ Thị Ngọc Như (giữa), tân sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cùng hai bạn Đỗ Văn Tuấn (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) và Trần Thị Mỹ Hiền (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) đến sớm trước giờ trao học bổng - Ảnh: TẤN LỰC
Hơn 20h chương trình mới bắt đầu nhưng từ 19h, không khí ấm áp đã lan tỏa khắp hội trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị. 80 bạn tân sinh viên đã có mặt để chuẩn bị nhận những suất học bổng nghĩa tình.
Không chỉ tân sinh viên mà nhiều phụ huynh của các em cũng lặn lội mấy chục cây số đến tận nơi để chia sẻ niềm vui cùng con.
Ông Nguyễn Thái Bình, 55 tuổi, phụ huynh em Nguyễn Thị Thúy Nga, tân sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Huế, kể nghe con thông báo được chọn nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ từ hai ngày trước, ông mừng hơn cả con.
Nga đậu đại học ông rất mừng, nhưng nỗi lo trong lòng thì lớn hơn. Để con đủ điều kiện nhập học, ông phải đi mượn 6 triệu đồng cho con đóng học phí. Sau khi con nhập trường ông lại phải xoay xở thêm 5 triệu đồng gửi vào cho con sinh hoạt.
Ông Bình cho biết hai vợ chồng ông làm nghề chài lưới ven sông hơn 30 năm nay. Mỗi ngày kiếm được hai trăm ngàn đã mừng rớt nước mắt. Cả sáu người con của ông bà đều đang đi học. Nga vào năm đầu. Chị gái Nga đang là sinh viên đại học y năm thứ hai. Bốn đứa nhỏ đang học tiểu học và trung học. Hai vợ chồng xoay chóng mặt không đủ cho cả sáu đứa con có tiền học đầu năm.
"15 triệu này là cả một gia tài với nhà tui. Mần ruộng cả năm ba vụ cũng chưa chắc dư được chừng đó tiền. Con tui có tiền nộp học phí cả năm luôn rồi", ông Bình mừng rỡ.
Ba bạn tân sinh viên người đồng bào Vân Kiều gồm Hồ Thị Nhường, Hồ Thị Kim Ngạch và Hồ Thị Hồng Nhung vui vẻ chờ giây phút nhận học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: TẤN LỰC
Học bổng Tiếp sức đến trường 20 năm trước bắt đầu từ Quảng Trị, sau đó lan tỏa ra khắp nước. Mỗi năm, hàng ngàn tân sinh viên gặp khó khăn đã được học bổng này giúp đỡ để thêm tự tin khi vào giảng đường.
Ông Đồng Hoàng Hiển, giám đốc Công ty phân bón Bình Điền Quảng Trị, chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, nói những suất học bổng này được trao bằng cả tình cảm, hy vọng của các thành viên CLB Nghĩa tình Quảng Trị gởi gắm cho các tân sinh viên.
"Việc được nhìn thấy các bạn trẻ vững bước trước khó khăn, nhiều bạn từng nhận học bổng của chương trình hiện đã thành công, thành danh trên nhiều lĩnh vực, từ đó quay lại đồng hành cùng chương trình, các thế hệ sinh viên sau là điều khiến những người trong CLB Nghĩa tình Quảng Trị hạnh phúc", ông Hiển nói.
Ông Đồng Hoàng Hiển, giám đốc Công ty cổ phần Bình Điền Quảng Trị, chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, chia sẻ với tân sinh viên tại lễ trao học bổng - Ảnh: TẤN LỰC
Tại lễ trao học bổng, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng gửi gắm những dặn dò đến các bạn tân sinh viên được nhận học bổng.
"Có thể suất học bổng hôm nay không lớn so với hành trình thực hiện ước mơ nghề nghiệp của các em, nhưng đó là sự ghi nhận những nỗ lực vượt khó lớn lao của các em. Các em hãy xem đó là động lực để mở ra một hành trình mới. Chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng nỗ lực và khát vọng của chính mình", ông Chữ nói.
Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại lễ trao học bổng - Ảnh: TẤN LỰC
Những người tham dự chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Quảng Trị đã như nín lặng khi câu chuyện về hai tân sinh viên vượt khó Hoàng Thị Na (tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế) và Trần Thị Phương Thanh (tân sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế) được chiếu trên màn hình. Rồi tất cả như vỡ òa khi hai nhân vật trong clip bước ra sân khấu.
Na đến với chương trình cùng bà nội là bà Nguyễn Thị Bài. Chưa cần MC mở lời, nhiều người ở dưới hội trường đã rướm nước mắt.
Na không may mắn như những đứa trẻ khác. Năm em mới lên lớp 1, bố em phát hiện bị suy thận. Sau nhiều năm chạy chữa, năm em lớp 7, bố em qua đời. Thêm vài năm mẹ em cũng đi lấy chồng khác.
Số phận gần như lấy hết của ba anh em Na những gì vững chãi ấm áp nhất. Ba anh em Na như gà con lạc mẹ chới với giữa đời nên chỉ còn biết nương tựa vào ông bà nội ở gần nhà.
Tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế Hoàng Thị Na chia sẻ hoàn cảnh mồ côi của mình tại chương trình - Ảnh: TẤN LỰC
Ông bà nội của Na nay đều đã già. Vài năm trước còn sức hai ông bà còn gắng làm lụng ruộng vườn kiếm chút tiền nuôi cháu ăn học. Nhưng tuổi già ập đến, cả hai người đều như bóng tre già nghiêng ngả trước gió.
Thương ông bà, mấy anh em đều cố gắng học tập và đều đạt thành tích khá giỏi nhiều năm qua. Mới đây Na đậu vào Trường đại học Kinh tế Huế.
Na đã vào nhập học được hai tháng bằng những đồng tiền bà con lối xóm góp cho cùng tiền ông bà nội tích cóp, xoay xở khắp nơi. Em ở chung với mấy bạn để tiết kiệm tiền trọ.
Hai năm trước anh trai đầu của Na là Hoàng Tấn Phúc cũng đậu vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Học được kỳ 1, Phúc đành bỏ ngang vì học phí và sinh hoạt phí quá cao, tiền làm thêm không thể kham nổi.
Na không muốn mình phải đứt đoạn con đường học tập như anh trai. Na không cho phép mình gục ngã. Nhưng giờ ông bà nội đã ngày càng như bụi tre trước ngõ, chưa biết ngả nghiêng khi nào.
Bà Nguyễn Thị Bài, bà nội của Na, kể khi biết điểm thi, Na về khoe với mệ (bà). "Tui nói chừ cháu đậu đại học rồi thì ông bà cũng mừng. Nhưng chừ lấy chi mà giúp đỡ cho cháu đi học hành. Rồi nói thôi để có chi đó thì ông bà vay mượn thêm nhiều ít chi đó để cho cháu học được chừng nào thì hay chừng đó đã. Chớ giờ ông mệ cũng chưa hứa được là cho cháu luôn hết đại học", bà Bài dứt lời khiến nhiều người theo dõi nấc nghẹn.
Bà Nguyễn Thị Bài, bà nội của tân sinh viên Hoàng Thị Na, chia sẻ về cảnh mồ côi của cháu gái - Ảnh: TẤN LỰC
Câu chuyện của Na đã buồn, chuyện của bạn Trần Thị Phương Thanh càng khiến không khí trong hội trường như nén lại.
Lớn lên trong một gia đình có thâm niên nghèo khó ở vùng núi Đakrông, Quảng Trị, năm lớp 4 Thanh đã mồ côi bố. Mất đi người trụ cột, mẹ Thanh phải gồng gánh nuôi mấy chị em Thanh ăn học. Được một thời gian ngắn, mẹ Thanh tái phát bệnh tim ở mức nặng hơn, phải liên tục đi nằm viện nên mấy chị em bơ vơ không chỗ bấu víu.
Thấy hoàn cảnh của mấy mẹ con, một số người khuyên chị nên gửi Thanh về trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, vì ở đó Thanh mới có thể được ăn học đàng hoàng.
Lớp 5, Thanh đã khăn gói xa nhà về trung tâm này sống. Thanh cũng rất muốn ở nhà để được mẹ ôm ấp, yêu thương nhưng nhìn cơn bệnh của mẹ và hai em nheo nhóc, Thanh không được lựa chọn.
Một đứa trẻ như cây non chưa kịp cứng cỏi đã phải xa nhà tự lo cho cuộc sống của mình cũng là một thử thách với Thanh. Nhà cách trung tâm đến mấy chục cây số nên mỗi năm Thanh chỉ về thăm nhà hai lần vào hè và Tết. Nhưng may mắn, về trung tâm này Thanh được mọi người cùng yêu thương nên cũng dần quen và bớt nhớ nhà.
Phải vô cùng nỗ lực, Thanh mới đậu vào Trường đại học Khoa học Huế.
Đến với chương trình, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam đã quyết định tặng ba máy tính xách tay cho ba tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Những tân sinh viên đặc biệt khó khăn được trao tặng phần quà giá trị là máy tính xách tay phục vụ việc học tập - Ảnh: TẤN LỰC
Ngoài Hoàng Thị Na và Trần Thị Phương Thanh, thì người được chọn cuối cùng là bạn Ngô Thị Hương, tân sinh viên Trường ĐH Tài chính Kế toán Quảng Ngãi phân hiệu tại Huế. Tuy nhiên, Hương đã khiến nhiều người bất ngờ và xúc động khi quyết định tặng lại chiếc máy tính xách tay này cho bạn Trần Đức Thanh Nhuệ, tân sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM. Nhuệ là nhân vật trong bài Ước mơ làm đôi chân của mẹ, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 28-10.
Nhuệ cũng là một trong số những tân sinh viên được nhận học bổng lần này, nhưng vì học ở TP.HCM nên không về nhận được. Hương nhờ ban tổ chức chuyển chiếc laptop đến bạn Nhuệ. "Năm trước em đã được nhận một laptop của một đơn vị hảo tâm. Bạn Nhuệ cũng có hoàn cảnh cơ cực và em được biết bạn chưa có máy tính để học nên em nhường lại cho bạn", Hương nói.
Có mặt tại buổi lễ, ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nói ông cũng từng là sinh viên lớn lên từ ruộng vườn nên ông hiểu những khó khăn mà các bạn tân sinh viên đang phải đối mặt trong những ngày đầu vào đại học. Và cũng từ đó ông càng thấu hiểu hơn ý nghĩa của những suất học bổng này.
"15 triệu đồng này sẽ như thay cha mẹ các tân sinh viên lo các em khoản tiền đầu năm như học phí, sinh hoạt phí... Nhưng giá trị lớn nhất của học bổng này không chỉ ở giá trị vật chất. Mà quan trọng nhất là còn giúp các em cảm nhận được tình cảm từ cộng đồng dành cho các em ở lúc ngặt nghèo nhất. Từ đó nhân lên trong tâm hồn các em những tâm thức tốt đẹp từ cuộc sống", ông Hưng nói.
Tân sinh viên Ngô Thị Hương, Trường đại học Tài chính Kế toán Quảng Ngãi, rớm nước mắt khi được hỏi về hoàn cảnh của mình - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (trái) và ông Lê Quốc Phong, nguyên chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Lê Quốc Phong, nguyên chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị, chia sẻ về động lực tham gia đồng hành cùng các tân sinh viên nhiều năm liền - Ảnh: TẤN LỰC
Các tân sinh viên Quảng Trị nhận học bổng Tiếp sức đến trường tối 29-10 - Ảnh: TẤN LỰC
Các tân sinh viên Quảng Trị nhận học bổng tại chương trình Tiếp sức đến trường năm 2022 - Ảnh: TẤN LỰC
Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" là nơi tập hợp những người con xa quê, những người bạn yêu mến quê hương Quảng Trị… mong muốn được trở về tiếp sức, đồng hành thắp lửa cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.
Từ 33 tân sinh viên của Quảng Trị có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, sau 19 mùa học bổng, đến nay Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" đã tiếp sức cho 2.580 tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 17,4 tỉ đồng.
Học bổng "Tiếp sức đến trường" đến nay đã hỗ trợ 22.170 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 162,3 tỉ đồng. Riêng năm 2022, đồng thời cũng là lần thứ 20 của chương trình, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, với tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng.
Video: Thêm 1,5 tỉ đồng từ Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị ủng hộ tân sinh viên nghèo
Đồ họa: NGỌC THÀNH