Đánh giá hệ thống chính sách quản lý tài nguyên - môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long

1 năm trước 134
Chú thích ảnhQuang cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm chỉ ra thực trạng thực thi chính sách quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hàng năm, toàn vùng đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước, 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Bên cạnh đó, vùng có 3 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận là khu RAMSAR của thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng châu thổ có địa hình thấp và khá bằng phẳng. Do đó, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển nội tại và phát triển thượng nguồn. Biến đổi khí hậu sẽ tác động ngày càng trầm trọng, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng. Để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong vùng, cơ quan có liên quan cần thực hiện giải pháp mang tính tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnhTiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV phát biểu tại Hội thảo.

Tiến sĩ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV nhận định, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ nét trong nhiều văn kiện, tiêu biểu là Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên; phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như sự liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mekong.

Sau 5 năm triển khai, các chỉ đạo này đã phát huy hiệu quả tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thực trạng thực thi chính sách quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại đây còn những hạn chế, bất cập. Đó là sự không nhất quán và đồng bộ khi triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ở các địa phương trong vùng; sự rập khuôn máy móc khi thực hiện Nghị quyết mà không bám sát điều kiện thực tiễn ở từng tỉnh, thành phố; thực tiễn có nhiều vấn đề mới phát sinh mà Nghị quyết chưa theo kịp…

Chú thích ảnhÔng Laurent Umans, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trên cơ sở tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyên gia đã nêu một số mô hình quản lý hiệu quả trong và ngoài nước làm định hướng tham khảo; đồng thời, đề xuất một số giải pháp bám sát thực tiễn về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiêu biểu, ông Laurent Umans, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nêu mô hình chính sách cho mối quan hệ mới giữa con người và thiên nhiên. Ông Matthew Andersen, Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ đề xuất khung tích hợp để kiểm tra tính dễ bị tổn thương của nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Oliver Hensengerth, Đại học Northumbria, nêu giải pháp đánh giá hệ thống chính sách khử carbon ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Từ thực tiễn và các mô hình quản lý hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế hữu hiệu để phát huy vai trò của cộng đồng (người dân, doanh nghiệp) trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình quản trị đa cấp độ theo cách tiếp cận “từ dưới lên” trong đó nhấn mạnh quá trình “phi tập trung hóa” bằng cách trao quyền, chia sẻ trách nhiệm và cam kết hành động môi trường cho nhiều bên là giải pháp hữu hiệu.

Tiến sĩ Đỗ Lý Hoài Tân, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đề cập đến việc xây dựng bộ tiêu chí quản lý an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 14 tiêu chí thành phần như, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, mức độ hao hụt nước, tỷ lệ xử lý nước thải thành công, bảo trì hệ thống cấp thoát nước…

"Có thể cho rằng, tương lai phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long đang phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện tổng thể các chính sách quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên, môi trường; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để huy động, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phù hợp với quy luật tự nhiên, tìm kiếm và khơi dậy những động lực mới cho sự phát triển bền vững", Tiến sĩ Phan Công Khanh nhấn mạnh.

Nguồn bài viết