Đàn bò mơ ước từ đồng vốn Tiếp sức nhà nông

2 năm trước 112
Đàn bò mơ ước từ đồng vốn Tiếp sức nhà nông - Ảnh 1.

Bà Bùi Thịnh Tiển có đàn bò mơ ước từ đồng vốn vay Tiếp sức nhà nông

May mắn nhân đôi

Khệ nệ bê cho đàn bê chậu cỏ băm to tướng, bà Bùi Thịnh Tiển (ở xóm Cầu, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết cỏ "voi" do chính nhà bà trồng. Cỏ cắt về, cẩn thận băm nhỏ, cho vào chậu nhựa rồi mới đem cho đàn bê ăn.

Nhìn đàn bê ba con, con nào con nấy béo tròn, lông mượt óng như tơ, bà Tiển khoe toàn bộ số tiền vốn vay của chương trình Tiếp sức nhà nông, cộng với vài triệu đồng tích cóp được bà mua hẳn ba con bê.

"May mắn bằng mấy lần đấy! Gia đình tôi mơ ước có đàn bê để chăn từ lâu lắm rồi, nhưng không có vốn. Mà cơ duyên thế nào tôi vừa được nhân vốn xong thì giá bê giống tự nhiên rẻ! Nếu trước đây mỗi con bê phải hơn chục triệu thì nay tôi mua luôn cả ba con mới có hơn 20 triệu!" - bà chia sẻ.

Khác với các vùng khác mà chương trình Tiếp sức nhà nông đã hỗ trợ, ở vùng Kim Bôi - Hòa Bình, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam (Công ty GREENFEED) khuyến cáo và hỗ trợ kỹ thuật để bà con chăn nuôi bò. 

Vùng Hùng Sơn, Kim Bôi có nhiều đất rừng, nhiều diện tích phát triển được các loại thức ăn chăn nuôi đại gia súc như cỏ, ngô sinh khối… 

Thêm vào đó, những giống trâu, bò đã được nuôi ở địa phương nhiều năm nay phù hợp với điều kiện khí hậu, sinh trưởng, gần như không có dịch bệnh nên bà con nông dân "ăn chắc" hơn.

Đàn bê của bà Tiển mới nuôi được hai tháng phát triển tốt, béo mập. Bà Tiển không có điều kiện để nuôi lợn hay gia cầm. Có mảnh vườn nhỏ trồng cây bưởi, bà trồng xen cỏ để chăn nuôi. Người nông dân này vui vẻ khoe, hằng ngày bà có hai việc quan trọng nhất là chăm cháu và chăm bò. 

"Tôi thực sự yên tâm rồi! Chỉ có nuôi bò tôi mới tranh thủ được thời gian đi cắt cỏ hoặc thả cho ăn quanh vườn nhà. Còn lại tôi giúp con cái chăm cháu, đưa đón cháu đi học để bố mẹ chúng nó yên tâm đi làm, kiếm tiền lo cho gia đình" - bà Tiển nói.

Tranh thủ "vào đàn"

Khác với cách làm của bà Tiển, gia đình anh Bùi Văn Hậu, ở xóm Rộc, xã Hùng Sơn lại chọn con bê khá lớn để nuôi. Anh Hậu sửa lại hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh, chắc chắn. Phần sàn láng xi măng sạch sẽ, phần gác mái vừa là nơi chứa rơm để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò mùa rét, vừa để chuồng trại mát vào ngày nắng, ấm vào ngày mưa lạnh.

Anh Hậu chăn nuôi theo kiểu "bán chăn thả", cứ một buổi nhốt, cho ăn ở chuồng, buổi chiều khô ráo thì thả cho đàn bò tự kiếm ăn ở đồi rừng sau nhà. Anh Hậu tính toán, những ngày mưa rét anh sẽ nuôi nhốt để phòng tránh dịch bệnh, ngày nắng ráo sẽ chăn thả để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn và đỡ công lao động.

Đàn bò mơ ước từ đồng vốn Tiếp sức nhà nông - Ảnh 2.

Đa số hộ nông dân ở Hòa Bình tham gia chương trình đầu tư chăn nuôi bò

Cách làm của anh Hậu vừa giống cách bà con trong vùng hay làm là "nuôi vỗ béo". Tức anh  mua trâu, bò nhỡ, gầy về chăm sóc, nuôi cho béo rồi bán như "lướt sóng" nhưng lại khác ở chỗ anh hướng đến nuôi sinh sản.

"Bán con giống sẽ đỡ tốn công chăm sóc, thức ăn hơn bán bò thịt - anh Hậu nói - Hơn nữa nuôi bò sinh sản mình chủ động được. Nếu giá cao thì mình bán, còn giá thấp lại nuôi đến khi nào cao mới bán, không sợ lỗ".

Ông Phạm Văn Quang - phòng kinh doanh Công ty cổ phần GREENFEED - cho hay công ty đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hùng Sơn rà soát và đến thực tế tại các hộ được nhận vốn. Đại đa số bà con dùng số tiền vay được để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. 

"Bà con mua giống trâu bò trong thời điểm này rất lợi vì giá rẻ. Đây là cơ hội "vào đàn" rất tốt vì giá cả chỉ xuống thấp trong một vài thời điểm. Hơn nữa chăn nuôi trâu, bò lại phù hợp với thế mạnh của địa phương, ít dịch bệnh nên chắc chắn hơn chăn nuôi ngắn ngày như gia cầm" - ông Quang cho hay.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn Bùi Ngọc Tân, ngay từ khi đăng ký vay vốn, phần lớn các hộ đều có nguyện vọng được hỗ trợ để chăn nuôi trâu, bò. Rất nhiều hộ nông dân được vay vốn lần này thiếu đất sản xuất, thu nhập nhờ vào đồng tiền công làm thuê.

Do vậy, họ không có nhiều thời gian để chăn nuôi như nuôi lợn, nuôi gà, vịt mà tranh thủ thời gian rảnh đi cắt cỏ cho bò. 

Hơn nữa bà con ít kinh nghiệm, kỹ thuật, nhất là phòng chống dịch bệnh. Nếu chăn nuôi gia cầm họ phải phòng dịch thật tốt, còn nuôi lợn thì họ phải dự trữ vốn để mua thức ăn khá nhiều. 

Còn trâu, bò ít dịch bệnh lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, bà con tự tin đến hết kỳ vay vốn, họ vừa trả được gốc, vừa có lãi chính là đàn bò sinh kế của gia đình.

Nguồn bài viết