Đài Loan đặc biệt lo ngại vì các đối tác của Foxconn trong dự án đầu tư vào Tsinghua Unigroup có một số công ty được cho là dính líu tới Chính phủ Trung Quốc - Ảnh: AFP
Foxconn đặt trụ sở chính tại Đài Loan, là nhà cung ứng cho Apple và chuyên sản xuất các thiết bị điện tử theo hợp đồng. Tập đoàn này cũng là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc đại lục.
Khoản đầu tư 800 triệu USD của Foxconn vào Tsinghua Unigroup được công bố vào tháng 7, trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan và châm ngòi cho những căng thẳng cao độ hiện nay giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
"Khoản đầu tư này chắc chắn sẽ không được thông qua", Financial Times (FT) dẫn lời một quan chức an ninh Đài Loan khẳng định chắc nịch ngày 10-8.
Nguồn tin của FT cho biết ủy ban đầu tư thuộc cơ quan hành pháp Đài Loan vẫn chưa xem xét khoản đầu tư của Foxconn.
Tuy nhiên, các quan chức tại hội đồng an ninh của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và Hội đồng các vấn đề với đại lục đã thể hiện sự phản đối, yêu cầu chặn thỏa thuận này.
Các nhà phân tích cho biết khoản đầu tư vào Tsinghua Unigroup có ý nghĩa đối với Foxconn, trong bối cảnh tập đoàn này đang tìm kiếm sự ổn định nguồn cung chip cho dự án xe điện.
Ban lãnh đạo mới của Foxconn đang muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động và tăng lợi nhuận thay vì chỉ tập trung vào lắp ráp thiết bị điện tử.
Nhưng với giới chức Đài Bắc, khoản đầu tư của Foxconn có thể vô hình trung giúp Trung Quốc hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh chip với Đài Loan.
Mặc dù Foxconn đang dần đa dạng hóa dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc, 75% công suất vẫn nằm ở đại lục và các nhà phân tích cho rằng công ty Đài Loan này sẽ rất khó thoái vốn.
Theo FT, hiện đang có một luồng quan điểm trong giới cầm quyền Đài Loan tin rằng sự phụ thuộc ngày càng nhiều của vùng lãnh thổ này vào nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn tới các tác động tiêu cực tới an ninh trên đảo.
Một lý do khác khiến Đài Bắc thận trọng trước các khoản đầu tư vào ngành chip của Trung Quốc là Mỹ. Theo một quan chức Đài Bắc, vùng lãnh thổ này không muốn bị hiểu lầm là đang tiếp sức cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh với Washington.
"Sau khi Đạo luật chips và khoa học được thông qua, Washington đang đẩy mạnh các sáng kiến để tăng cường sản xuất chất bán dẫn tại nước này và làm việc với các đồng minh, đối tác để kiểm soát xuất khẩu công nghệ đến Trung Quốc. Chính vì vậy chúng tôi buộc phải thận trọng", một quan chức Đài Loan nói với FT.
Hiện Foxconn chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên FT. Trung Quốc, nước xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, cũng chưa đưa ra phản ứng.