Đài Loan chặn giao dịch công nghệ nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc

2 năm trước 277

Theo Nikkei, Đài Loan sẽ sớm chặn các công ty công nghệ của mình bán bớt công ty con hoặc tài sản khác ở Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Đài Bắc nhằm ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ nhạy cảm, bao gồm cả chất bán dẫn, vào đại lục.

Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết đang sửa đổi quy định hiện hành để yêu cầu các công ty vùng lãnh thổ này phải tìm kiếm sự chấp thuận nếu muốn bán hoặc thanh lý bất kỳ tài sản, nhà máy hoặc công ty con nào của họ ở đại lục cho đối tác Trung Quốc, hoặc những người mua địa phương khác, vì việc này có thể liên quan đến chuyển giao công nghệ nhạy cảm. Quy định hiện hành chỉ yêu cầu các công ty Đài Loan thông báo cho cơ quan chức năng về các giao dịch đó.

Đài Loan chặn giao dịch công nghệ nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc - ảnh 1

Đài Loan đang nỗ lực ngăn chặn rò rỉ công nghệ nhạy cảm vào Trung Quốc

Bloomberg

Một tập hợp các quy định sửa đổi, được thiết kế để bảo vệ công nghệ chip có giá trị của Đài Loan, sẽ được gửi đến Hành chính Viện (Executive Yuan) để xem xét thêm vào ngày 17.12, và sẽ có hiệu lực sớm nhất là trước cuối năm nay hoặc tháng 1.2022.

Cơ quan Tư pháp và Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan cũng đang soạn thảo quy định mới để ngăn các chuyên gia tiết lộ bí mật thương mại và công nghệ quan trọng cho “lực lượng phản đối nước ngoài” ở những nơi như Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Theo dự thảo quy định, bất kỳ chuyên gia nào có dự án từng được chính quyền Đài Loan tài trợ sẽ phải tìm kiếm sự chấp thuận nếu muốn đến Trung Quốc. Một số giám đốc điều hành công nghệ cho rằng phạm vi của quy định mới quá rộng và mơ hồ, có thể ảnh hưởng đến sự sẵn sàng cộng tác của ngành trong các chương trình nghiên cứu và phát triển do chính phủ tài trợ, cũng như cản trở sự tiến bộ công nghệ tổng thể trong tương lai.

Việc giám sát chặt chẽ hơn diễn ra khi nhiều công ty công nghệ Đài Loan đã bán các công ty con của họ ở Trung Quốc trong vài năm qua. Lite-On, nhà cung cấp giải pháp quản lý điện năng hàng đầu, đã bán 51% cổ phần của công ty con lưu trữ ổ cứng ở thành phố Tô Châu cho Tsinghua Unigroup vào năm 2017, và cổ phần còn lại cho một công ty đầu tư địa phương vào tháng 6.2021. Nhà cung cấp vỏ kim loại hàng đầu cho iPhone Catcher Technology cũng bán nhà máy cho nhà cung cấp công nghệ Lens Technology của Trung Quốc hồi năm ngoái. Trong khi đó, nhà lắp ráp iPhone Wistron đã bán nhà máy ở Côn Sơn cho Luxshare, hãng sản xuất điện tử theo hợp đồng mới nổi của Trung Quốc.

ASE Technology Holding, nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Đài Loan, là ví dụ mới nhất. Đầu tháng này, ASE đã bán cổ phần tại hai công ty con ở Trung Quốc cho Wise Road Capital, công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc gần đây đã tham gia vào việc giải cứu tập đoàn chip Tsinghua Unigroup. Thương vụ 1,4 tỉ USD của Wise Road để mua lại nhà sản xuất chip Magnachip Semiconductor của Hàn Quốc mới bị chính phủ Mỹ chặn trong tuần này do lo ngại về an ninh quốc gia.

Nikkei dẫn lời một quan chức chính quyền Đài Loan cho biết, sẽ có một nhóm chuyên trách nhận nhiệm vụ xem xét kỹ hơn giao dịch liên quan đến công nghệ xung quanh “sản xuất chip, đóng gói, thử nghiệm chip và các tấm nền”. Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã thắt chặt việc sàng lọc đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Đài Loan để bảo vệ công nghệ nhạy cảm. Ngoài ra, Đài Loan còn cấm các công ty cung cấp nhân sự đăng thông báo việc làm cho các ngành nhạy cảm như chất bán dẫn ở Trung Quốc.

Nguồn bài viết