Du khách ngồi xích lô tham quan đường phố ở Hội An - Ảnh: LÊ TRUNG
Năm 2021, với sự hỗ trợ của TAB và Ban IV, các chuyên gia của dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng năng lực cạnh tranh về du lịch của 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam dựa trên những tiêu chí khác nhau.
Kết quả, 5 địa phương đạt chỉ số cạnh tranh cao bao gồm Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
TP.HCM đón khách dịp năm mới 2022. Trong lần đánh giá này, TP.HCM đứng thứ 8 trong bảng đánh giá - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại buổi công bố chiều 18-1, ông Kai Partale, chuyên gia dự án EU, cho biết Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng nhờ đạt chỉ số cao về an toàn an ninh, mức độ sẵn sàng cho công nghệ thông tin cũng như mức độ ưu tiên cho du lịch, lữ hành. Đây cũng là địa phương có chỉ số tính bền vững về môi trường cao, hạ tầng giao thông du lịch do có thể tiếp cận qua đường hàng không du lịch tốt...
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam sẽ giúp các địa phương có cơ hội để hiểu hơn về mình. Ngoài ra, bộ tiêu chí cũng là công cụ đo lường khoa học giúp cho Tổng cục Du lịch có cách nhìn đầy đủ cho công tác quản lý, hỗ trợ để thực hiện chức năng là bệ đỡ cho ngành.
Cũng theo bộ trưởng, 15 địa phương được chọn thí điểm để đánh giá đều có chủ đích, bởi đây là cách nhận ra các địa phương này có phải là điểm đến du lịch thời hậu COVID-19 hay không.
Kết quả xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam 2021
Sau 30-4 mới biết có đón khách quốc tế hay không
Cũng tại buổi công bố, các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị lần nữa về thời điểm Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế.
Theo ông Trương Gia Bình, trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu Việt Nam có thể mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn vào dịp 30-4 thì cơ hội để vị thế du lịch của Việt Nam lên cao rất lớn, trở thành điểm đến lựa chọn được ưu tiên trong khu vực.
"Trong khi các nước trong châu Á còn chưa mở thì đây là cơ hội. Phương châm mở cửa của chúng ta là 'an toàn, linh hoạt, hiệu quả', vì thế chúng ta phải làm việc với chuyên gia, bác sĩ, Bộ Y tế để tự tin mở cửa an toàn", ông Trương Gia Bình nói.
Tương tự, đại diện tỉnh Quảng Nam đề xuất mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế từ 1-5 vì các cơ sở hạ tầng, tỉ lệ bao phủ vắc xin và tinh thần của doanh nghiệp đều sẵn sàng.
Về đề xuất trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng du lịch Việt Nam luôn xác định phải đi trên hai đôi chân là nội địa và du lịch quốc tế. Nhưng ai cũng thừa nhận chỉ có mở cửa thị trường du lịch quốc tế thì Việt Nam mới phát triển nhanh được.
"Các doanh nghiệp, địa phương đều có mong muốn sớm mở cửa du lịch quốc tế. Tổng cục Du lịch cần sớm hoàn thiện lại các báo cáo, ghi nhận sự đồng thanh của các doanh nghiệp, sự sẵn sàng của các địa phương và công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là cơ sở để bộ có thể đề xuất lên Thủ tướng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng lưu ý từ nay đến thời điểm 30-4, các địa phương nằm trong danh sách được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế tiếp tục thực hiện và có rút kinh nghiệm. Sau thời điểm trên, nếu có sự đồng ý của Thủ tướng thì du lịch Việt Nam mới mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế, trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.