Đó là một trong các nội dung được đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao kinh tế 2016-2020, do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 12/3.
Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội nghị.Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, trong 5 năm tới Đà Nẵng sẽ đề ra các kế hoạch dài hạn, phương hướng và trọng tâm ngoại giao kinh tế, thiết thực phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, với 4 định hướng.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo về chính trị thế giới, những xu hướng mới về dịch chuyển kinh tế toàn cầu để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển tổng thể của thành phố. Đồng thời, Đà Nẵng tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành ở Trung ương, các nguồn lực và lợi thế sẵn có, chú trọng đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế, thương mại quốc tế phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển, nhu cầu thực chất của địa phương, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Thành phố tiếp tục chủ động đổi mới hình thức, quy mô, cách thức triển khai ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong tình hình mới. Cùng với đó, Đà Nẵng nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực về hội nhập quốc tế cho cơ quan địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mối liên hệ, hợp tác với cộng đồng kiều bào, chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Thư ký Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng vẫn triển khai công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2016-2020 đồng bộ, toàn diện, sáng tạo và linh hoạt. Nhờ đó, thành phố đã thích ứng với tình hình, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xúc tiến kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch...
Năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án tổng thể “Ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020” nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nhiệm vụ phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đã đề ra. Quá trình thực hiện Đề án đã đem lại những kết quả tích cực về kinh tế đối ngoại cũng như làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương, tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới. Đà Nẵng xây dựng được hình ảnh một thành phố phát triển năng động và thương hiệu địa điểm đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến du lịch được yêu thích, thành phố của các sự kiến quốc tế mang sức lan tỏa lớn...
Trong 5 năm qua, thành phố đã thu hút được 530 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký 1.045,4 triệu USD; 6 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với khoảng 5.933,7 tỷ đồng; 351 chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí hơn 597,9 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 7.622 triệu USD, tăng bình quân 5,7%/năm; nhập khẩu ước đạt 6.522,7 triệu USD, tăng bình quân 1,7%/năm; lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng tốt, đạt 29,15%/năm..
Thành phố Đà Nẵng cũng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 45 địa phương của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều thỏa thuận được ký kết và triển khai với các định chế tài chính quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng và phát triển thành phố, cũng như công tác quảng bá, kết nối đầu tư, thương mại, du lịch. Đà Nẵng cũng đã tham gia nhiều mạng lưới quốc tế, nâng cao vị thế của thành phố như CityNet, Asia Pacific City Summit, ASEAN Smart City Network...