Đua mở chuỗi bán lẻ công nghệ

2 năm trước 204
Đua mở chuỗi bán lẻ công nghệ - Ảnh 1.

Nhu cầu mua sắm laptop ngày càng tăng tại Việt Nam - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Với xu hướng học tập và làm việc từ xa qua Internet ngày càng lan tỏa tại nhiều địa phương, nhu cầu mua sắm các thiết bị như máy tính, laptop tăng mạnh, nhiều hệ thống bán lẻ đã mạnh dạn mở thêm những mô hình bán lẻ chuyên dụng cho đối tượng khách hàng này.

Nở rộ những mô hình mới

Sau nhiều tháng liên tục gia tăng doanh số bán laptop, hệ thống FPT Shop vừa công bố tham gia bán lẻ máy tính để bàn (PC) và linh, phụ kiện cho PC. Chiến lược "lấn sân" được hệ thống này thể hiện bằng việc khai trương cùng lúc 3 trung tâm kinh doanh laptop và PC tại Hà Nội vào giữa tháng 12.

Đây đều là những cửa hàng chuyên bán laptop - sản phẩm thế mạnh của FPT Shop - và đặc biệt là những sản phẩm mới như PC lắp ráp theo yêu cầu, linh kiện lắp ráp PC (như bo mạch mainboard, vi xử lý CPU, card đồ họa VGA, bộ nhớ RAM, ổ cứng, vỏ case, tản nhiệt, màn hình, ổ đĩa quang...) và phụ kiện PC (tai nghe, bàn phím, chuột...).

"Các cửa hàng này phục vụ không chỉ nhu cầu cơ bản mà cả nhu cầu nâng cao như máy tính chuyên dụng, máy tính gaming (chơi game). 

Đặc biệt, mảng kinh doanh mới là PC lắp ráp và những sản phẩm mà khách hàng có thể tự chọn cấu hình theo nhu cầu, không bị phụ thuộc vào sản phẩm bên bán cung cấp sẵn" - ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop, cho biết.

Hệ thống bán lẻ CellphoneS cũng vừa đồng loạt khai trương 12 trung tâm laptop - thiết bị nhà thông minh, đáp ứng đầy đủ các sản phẩm laptop chính hãng đến từ các thương hiệu hàng đầu như: Apple, Asus, Dell, HP, Lenovo, Acer, MSI... 

Đặc biệt, các dòng laptop chuyên gaming như: Tuf Gaming, Rog Strix, Legion, Acer Nitro, MSI GF... cũng được trưng bày để game thủ được "nhìn tận mắt, sờ tận tay" trước khi mua.

Riêng với các sản phẩm chính hãng Apple (điện thoại, laptop, PC, thiết bị khác...) đang ngày càng phổ biến với người dùng Việt Nam. 

Thời gian qua, thị trường cũng đã liên tục chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt chuỗi bán mới như: ShopDunk, ThinkPro, Topzone... bên cạnh sự mở rộng thêm các cửa hàng bán lẻ ủy quyền mới AAR (Apple Authorized Retailer) của các hệ thống quen thuộc như FPT Shop, Viettel Store, CellphoneS, Di Động Việt, Minh Tuấn...

Trong đó, mô hình cửa hàng chỉ chuyên bán sản phẩm Apple đang trở thành hướng đi mới được một số doanh nghiệp lựa chọn. Bà Ánh Hồng - đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore - cho biết sẽ khai trương thêm thương hiệu bán lẻ có tên iLuxe chuyên bán các sản phẩm của Apple ngay trong tháng 1-2022 tại TP.HCM và hình thành chuỗi sau đó tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...

Thị trường tiềm năng dù dịch bệnh

Cũng theo chia sẻ của bà Hồng, trong cuộc họp với các đại lý ủy quyền diễn ra tháng

11-2020, Apple cho biết thị trường Việt Nam đã chính thức vượt mặt Thái Lan, trở thành quốc gia tiêu thụ iPhone lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, lượng hàng "tiêu thụ" ngoài hàng chính hãng còn bao gồm cả hàng xách tay, hàng lock nợ cước, nợ trả góp tại quốc gia khác...

Do đó, Apple bắt đầu sàng lọc thị trường trôi nổi tại Việt Nam bằng cách cho hàng chính hãng được phép giảm sâu. "Nước đi này của Apple cũng được xem là một trong những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ hàng chính hãng tại Việt Nam. 

Những cửa hàng như iLuxe sẽ không những có lợi thế về giá mà còn có sẵn tệp khách hàng tiềm năng nhờ lượng "cầu" ngày càng lớn do Apple đang siết chặt lượng "cung" từ các nguồn hàng xách tay, trôi nổi" - bà Hồng đánh giá.

Không chỉ riêng iPhone, máy tính bảng iPad hay các sản phẩm "họ" Mac (Macbook, Mac Mini và iMac) cũng thu hút số lượng mua sắm ngày càng tăng. 

Theo số liệu của hệ thống CellphoneS, trong năm 2021 Việt Nam là thị trường được ưu tiên về mặt hàng hóa khi lượng hàng iPad và Mac tăng hơn 50% so với năm 2020. Đặc biệt số bán Mac và iPad tại CellphoneS ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 300%...

Trong khi đó, với xu hướng chuyển dịch "cuộc sống bình thường mới", nhu cầu laptop trong 2 năm qua đang trở thành thiết yếu với mọi người dân, bên cạnh điện thoại thông minh. 

"Nếu so sánh thị trường Thái Lan với dân số bằng 70% Việt Nam nhưng số lượng thiết bị laptop hơn Việt Nam mới chỉ 10%, thì dư địa cho thị trường laptop Việt Nam còn ít nhất 50% nữa" - đại diện CellphoneS thông tin.

Theo ông Nguyễn Thế Kha, thị trường laptop trong năm 2021 vừa qua, FPT Shop đã đạt được những thành tích ấn tượng khi tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm trước, cung cấp đến người tiêu dùng gần 400.000 máy tính, chiếm tỉ lệ đóng góp lớn vào doanh thu tăng trưởng của FPT Shop, đặc biệt là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch. 

"Đây cũng là động lực để chúng tôi lấn sân sang mảng kinh doanh mới này" - ông Kha nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạt - tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Di Động Việt, việc mở rộng chuỗi cửa hàng không chỉ giúp các hệ thống mở rộng định vị thương hiệu, tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn mà còn giúp khách hàng có thêm điểm đến uy tín, tin cậy để tham quan, mua sắm...

"Mở rộng chuỗi là một mục tiêu quan trọng và dài hạn của các hệ thống bán lẻ, trong đó có Di Động Việt. Năm 2022, chúng tôi sẽ mở rộng chuỗi lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc" - ông Đạt cho biết.

Bán lẻ theo chuỗi tăng nhanh đáng nểBán lẻ theo chuỗi tăng nhanh đáng nể

TTO - Nội dung trên được đưa ra tại hội thảo "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" do Công ty CP Vincom Retail, thành viên Tập đoàn Vingroup, tổ chức ngày 28-2.

Nguồn bài viết