Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov - Ảnh: REUTERS
Vấn đề về chiến sự ở Ukraine là một nội dung chi phối tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Theo Hãng tin Reuters, các bên đã tranh cãi về ngôn từ trong bản Tuyên bố chung đến những giờ cuối của hội nghị.
Trong phần về Ukraine - điểm 3 của bản tuyên bố gồm 52 điểm - các nhà lãnh đạo cho biết: "Hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây đau khổ lớn cho con người và làm trầm trọng thêm sự mong manh sẵn có trong nền kinh tế toàn cầu - kìm hãm tăng trưởng, đẩy cao lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính".
Bản tuyên bố cũng lưu ý rằng có "những quan điểm và đánh giá khác về tình hình" và cho biết G20 "không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh". Giới bình luận cho rằng cũng vì câu nhìn nhận "có quan điểm khác" này mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chấp nhận đặt bút ký vào văn bản.
Điện Kremlin đã công bố bản dịch toàn văn và chính xác bằng tiếng Nga của Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G20 Bali trên trang web - một động thái được Hãng tin Reuters bình luận là "gây ngạc nhiên", vì các nội dung trong đó chỉ trích gay gắt Nga.
Bản tuyên bố đã dùng từ "chiến tranh" để chỉ "sự gây hấn của Liên bang Nga với Ukraine" và nêu yêu cầu của hầu hết các thành viên G20 với Nga về việc "rút quân hoàn toàn và vô điều kiện" khỏi lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, theo Reuters, truyền thông ở Nga bị cấm dùng từ "chiến tranh" hay "xâm lược" để nói về "chiến dịch quân sự đặc biệt" do Nga tiến hành ở Ukraine.
Luật được thông qua sau ngày 24-2 đặt ra các hình phạt lên tới 5 năm tù cho tội làm mất uy tín các lực lượng vũ trang của Nga, và lên tới 15 năm cho tội "cố ý truyền bá thông tin sai lệch" về họ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bản Tuyên bố chung tại G20 là một thành tựu đối với Nga.
Ông Peskov nói với các phóng viên: "Sự khác biệt trong cách tiếp cận và quan điểm đã được ghi nhận và ghi lại trong tuyên bố cuối cùng. Tất nhiên, đó là vì các chuyên gia, Bộ Ngoại giao và cán bộ của chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để bản tuyên bố có nội dung cân bằng như vậy".