Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin TASS, ông Peskov đưa ra phát biểu trên khi được hỏi liệu SCO có phải là một đối trọng với G7 (nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới) như cách nhìn của phương Tây hay không.
"Không, (SCO) không phải là kết bạn để chống lại bất cứ ai. Đó là tình bạn vì những lý tưởng cao đẹp hơn và vì lợi ích của các quốc gia trong SCO", ông Peskov khẳng định.
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết một số báo đài phương Tây mô tả hội nghị thượng đỉnh SCO giống như việc tạo ra một "mặt trận chống phương Tây".
Ngày 16-9, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra ở thành phố Samarkand của Uzbekistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố SCO "sẵn sàng hợp tác với toàn thế giới".
Tổng thống Putin nhấn mạnh vai trò của các tổ chức hợp tác như SCO đang ngày một lớn và rõ nét. Ông khẳng định chính sách của SCO phản đối "sự ích kỷ", đồng thời hy vọng những tổ chức khác sẽ thực hiện chính sách dựa trên các nguyên tắc tương tự và sẽ "ngừng sử dụng các công cụ của chủ nghĩa bảo hộ, các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và tư tưởng ích kỷ về mặt kinh tế".
Hôm 12-9, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev cũng bày tỏ tin tưởng hội nghị thượng đỉnh SCO sẽ cho thấy “cách thiết lập một cuộc đối thoại toàn diện mới dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác mang tính xây dựng vì an ninh và thịnh vượng chung”.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, khẳng định tất cả thành viên SCO đều ủng hộ một trật tự thế giới công bằng. Ông mô tả hội nghị thượng đỉnh SCO lần này diễn ra trong bối cảnh có "những thay đổi địa chính trị quy mô lớn".
"SCO cung cấp một giải pháp thay thế thực sự cho các tổ chức lấy phương Tây làm trung tâm", ông Ushakov nói.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được thành lập bởi sáu quốc gia, gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan vào tháng 6-2001.
Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên chính thức của SCO vào năm 2017. Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ tham gia với tư cách quan sát viên, trong khi Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka được hưởng quy chế đối tác.
Hội nghị thượng đỉnh của SCO tại Uzbekistan diễn ra từ ngày 15 đến 16-9 đã khởi động thủ tục kết nạp Belarus là thành viên chính thức.
Bên cạnh đó, Iran đã ký một bản ghi nhớ về các trách nhiệm khi gia nhập tổ chức này. Ai Cập và Qatar cũng được cấp quy chế đối tác đối thoại. Bahrain, Kuwait, Maldives, Myanmar và Saudi Arabia đã bắt đầu thủ tục đăng ký quy chế này.