Hội thảo phát triển điện gió ngoài khơi - Ảnh: Đ.TRUNG
Chiều 16-12 đã diễn ra hội thảo "Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức.
Ông Nguyễn Đức Hiển, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng điện gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió khi tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512 GW (1 GW = 1.000 MW).
"Theo tính toán của WB, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5 - 10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô tối thiểu để bảo đảm tính hiệu quả về quy mô của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 5 GW" - ông Hiển nói.
Cũng nhìn nhận điện gió có tương lai phát triển, đặc biệt tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn, ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công thương - cho hay hiện nhiều địa phương đang đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với công suất lên tới 110.000 MW.
Trong khi đó, tại dự thảo Quy hoạch điện 8 đang được xây dựng, dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. "Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa" - ông An nói.
Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh nói thêm là trong số 5.000 MW thì miền Bắc sẽ là 2.000 MW và miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.
Lý giải về việc chỉ phát triển 5.000 MW trong giai đoạn đầu, ông Tuấn Anh nói thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
"Đến năm 2030 Việt Nam chỉ tham gia vào lượng công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp cho điện gió ngoài khơi, mặc dù đây là nguồn tốt để thay thế dần nhiên liệu hóa thạch nhưng ta phải có lộ trình" - ông Tuấn Anh nói.
Trao đổi thêm về tiêu chí lựa chọn dự án khi số lượng đăng ký lớn nhưng số phê duyệt đến năm 2030 dự kiến chỉ khoảng 5.000 MW, ông Tuấn Anh cho hay sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.
Theo đó, tại mỗi vùng miền sẽ đưa ra cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn, là định hướng cho phát triển. Trên cơ sở tính toán, quy mô có thể sẽ nhỏ hơn so với nhu cầu của một khu vực, nhưng đó là kết quả mô hình tính toán tối ưu mà quy hoạch đưa ra làm cơ sở lựa chọn.
Chính sách cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chậm
Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận việc thể chế hóa, cụ thể hóa cơ chế chính sách cho điện gió ngoài khơi còn chậm theo yêu cầu của nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Ông cho rằng cần đánh giá tiềm năng và điều kiện, cơ sở cho phát triển điện gió ngoài khơi, có các kịch bản cho phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030, đánh giá về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, khuyến nghị các chính sách và giải pháp thu hút vốn, xây dựng chuỗi giá trị về công nghiệp chế tạo, xây lắp và các dịch vụ liên quan, phát triển cảng, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư…