Điểm mới của chiến dịch đánh chặn COVID-19 từ xa

2 năm trước 198
Điểm mới của chiến dịch đánh chặn COVID-19 từ xa - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho người cao tuổi - Ảnh: D.PHAN

Tiếp nối hiệu quả từ giai đoạn 1, TP.HCM đang bước vào cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ giai đoạn 2 với việc mở rộng nhóm cần bảo vệ ra sao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - ví von: "Với người cao tuổi thuộc nhóm nguy cơ giống như một trái chuối chín, chỉ cần gió thổi qua là có thể rơi xuống, bất kể là gió COVID-19 hay ngọn gió nào khác. Do đó đối với nhóm này bắt buộc gia đình và xã hội phải có các biện pháp bảo vệ họ, giảm tối đa nguy cơ biến chứng chuyển nặng và tử vong".

Sẽ rất nguy cơ, nếu...

* Theo ông, mối liên hệ giữa tỉ lệ ca tử vong, chuyển nặng và nhóm người nguy cơ được bảo vệ ở TP.HCM là gì?

- Thời điểm trước lúc TP.HCM triển khai chiến dịch, các phân tích đều cho thấy nhóm người bệnh nặng và tử vong đa số nằm trong số người nguy cơ (trên 50 tuổi, có bệnh nền hoặc phụ nữ có thai). Tuy nhiên một điều khá tích cực là tỉ lệ chuyển nặng, tử vong trên nhóm người này giảm rõ rệt sau khi TP.HCM triển khai bảo vệ, và vẫn tiếp tục kéo dài cho đến hôm nay.

Trong vòng vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới của TP.HCM tiếp tục tăng cao theo chiều thẳng đứng. Tuy vậy số ca chuyển nặng, tử vong vẫn duy trì ở mức độ rất thấp, chỉ có 1 - 2 ca, thậm chí có ngày không có ca tử vong, nếu không tính ca từ các tỉnh chuyển đến. Bên cạnh đó, số ca nặng cần thở oxy có tăng nhưng không đột biến so với các đợt trước.

Gần đây khi học sinh trở lại trường, số ca mắc ở nhóm này có tăng. Có nhiều trường hợp các em mắc COVID-19 ở trường về lây những người nguy cơ ở nhà. Điều này khiến các phân tích vẫn chỉ ra các trường hợp thở máy, cần hỗ trợ hô hấp mới vẫn thuộc nhóm nguy cơ. Đó là lý do mà TP.HCM quyết định mở lại một đợt cao điểm bảo vệ người nguy cơ.

* Điểm khác biệt của chiến dịch bảo vệ người nguy cơ đợt này là gì, thưa ông?

- Song song các giải pháp duy trì tiêm vắc xin bổ sung, giám sát phát hiện và cấp phát thuốc kháng virus kịp thời cho nhóm người nguy cơ... Cao điểm lần này có điểm khác là mở rộng thêm nhóm trẻ em, đặc biệt trẻ chưa được tiêm chủng (dưới 12 tuổi), trẻ mắc các bệnh nền và béo phì. Bởi thực tế cho thấy trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh, trở nặng và tử vong.

Điểm mới thứ hai là đợt này ngành y tế sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp triệt để "cắt đứt" nguồn lây, tránh việc học sinh đi học về lây cho người nguy cơ ở nhà. Đơn cử với gia đình có học sinh mắc COVID-19 mà không thể cách ly triệt để được với người nguy cơ ở nhà, có thể khuyến khích cách ly điều trị tập trung tại bệnh viện.

* Theo số liệu công bố từ chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ vừa qua, TP.HCM phát hiện gần 25.000 người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, qua đó thuyết phục được 21.000 người tiêm. Chiến dịch đồng thời phát hiện 5.638 người mắc COVID-19. Thử đặt giả thiết, nếu không có chiến dịch này liệu điều gì sẽ xảy ra?

- Sẽ rất nguy cơ, đặc biệt là với nhóm người thuộc diện nguy cơ không biết mình là F0 và không được điều trị kịp thời. 

Tất nhiên với người cao tuổi, mang các bệnh lý nền dù không mắc phải COVID-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ chuyển nặng hoặc tử vong dù chỉ mắc các bệnh thông thường như cảm cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy. Nhưng nếu được phát hiện điều trị COVID-19 kịp thời, tức đã kịp thời bảo vệ cho họ khỏi diễn tiến xấu.

Thực tế hiện nay phần lớn mắc COVID-19 đều khá nhẹ và tự khỏi, do đó tôi cho rằng không thể chạy theo số lượng mà cần phải tập trung "đánh" trọng tâm trọng điểm vào nhóm người có thể diễn tiến nặng nhằm kiểm soát và giải quyết triệt để nguy cơ. 

Việc này cũng phù hợp với năng lực hiện có, bởi không thể cùng lúc bao quát hàng trăm ngàn trường hợp, trong khi không mang lại hiệu quả cao.

Cần dự phòng giỏi

* Thực tế nhiều người nguy cơ không biết mình nguy cơ; hoặc có nhiều người cố tình không tiêm vắc xin. Với các nhóm đối tượng nêu trên ngành y tế phải thuyết phục thế nào?

- Đây là vấn đề rất khó và bắt buộc phải truyền thông thuyết phục theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Với những nhóm này các lực lượng địa phương phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", trường hợp vì lý do sức khỏe không thể đi tiêm chủng hoặc xét nghiệm, sẽ có nhân viên y tế đến tận nhà để hỗ trợ.

Hiện ngành y tế TP.HCM đang phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát thống kê số người trong nhóm nguy cơ này để bảo vệ. Phải nói rằng để đạt được hiệu quả giảm ca chuyển nặng, tử vong không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào việc điều trị giỏi mà còn đến từ chiến lược dự phòng giỏi.

* Cụ thể một người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 hiện nay được chăm sóc ra sao, thưa ông?

- Sau khi cập nhật vào danh sách nhóm nguy cơ, người dân sẽ tiếp tục được điều tra để xác định bệnh nền, tình trạng sức khỏe (khả năng tự đi lại, chăm sóc bản thân); tình trạng sống chung (một mình hay sống chung) và nhu cầu hỗ trợ. Tùy vào điều kiện thực tế, người nguy cơ có thể được gia đình xét nghiệm hoặc nhờ các trạm y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Khi một người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 sẽ được cấp phát ngay thuốc kháng virus (gói thuốc C) và các loại thuốc hạ sốt, nâng đỡ thể trạng (gói thuốc A). Người bệnh sẽ được đánh giá tình trạng sức khỏe, phân loại mức nguy cơ nhằm quyết định việc cách ly tại nhà hoặc cách ly tại cơ sở y tế.

Việc xem xét cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ được cách ly điều trị tại nhà hay tại bệnh viện dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.

* Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, ở các tỉnh thành số ca mắc tăng kỷ lục. Theo ông, việc áp dụng chiến dịch bảo vệ người nguy cơ hiện nay đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống dịch của VN?

- Song song với các giải pháp tổng quát trên các nhóm, theo tôi đánh giá chiến lược bảo vệ nhóm nguy cơ là then chốt trong bối cảnh điều kiện nguồn lực về y tế hạn chế, khi số ca mắc tăng cao. Mục tiêu của chiến lược này là tập trung vào bảo vệ nhóm người yếu thế (cao tuổi, mang bệnh lý nền) khi đối phó với đại dịch biến đổi khó lường...

Điểm mới của chiến dịch đánh chặn COVID-19 từ xa - Ảnh 2.

Nguồn: Công văn triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ 2022 của UBND TP.HCM - Dữ liệu: H.L - Đồ họa: T.ĐẠT

Bảo vệ người nguy cơ ở nhiều loại bệnh khác

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định không dừng lại ở dịch COVID-19, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cho tất cả các loại bệnh lý khác.

Dựa trên các số liệu ghi nhận được trong đợt điều tra, ngành y tế sẽ phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM lưu trữ một kho dữ liệu lớn, từ đó xây dựng chiến lược quản lý, bảo vệ sức khỏe cho nhóm nguy cơ này, ngoài COVID-19 còn là bệnh không lây nhiễm (cao huyết áp, đái tháo đường...).

Đảm bảo không ai bị bỏ sót

TP.HCM bắt đầu mở chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ vào ngày 7-12-2021. Giai đoạn này đặc biệt tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.

Tiếp nối chiến dịch này, nay ngành y tế tiếp tục mở rộng đối tượng bảo vệ, bao gồm người có bệnh nền (bao gồm trẻ em), người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai và người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 năm 2022.

Các nhóm này sẽ được lập danh sách quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ, tư vấn và chăm sóc, tiêm chủng... đảm bảo không bị bỏ sót.

Nghiên cứu lớn nhất thế giới phát hiện 16 biến thể di truyền mới của dịch COVID-19Nghiên cứu lớn nhất thế giới phát hiện 16 biến thể di truyền mới của dịch COVID-19

TTO - Thông qua nghiên cứu quan trọng và lớn nhất thế giới về di truyền học của dịch COVID-19, các nhà khoa học đã xác định chính xác 16 biến thể di truyền mới ở những bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng.

Nguồn bài viết