Điều trị Methadone giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

4 tháng trước 55

Hiệu quả cai nghiện bằng Methadone ở huyện vùng biên

Chú thích ảnhCấp phát thuốc Methadone tại Phòng khám, điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện chất - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Hơn 5 năm nay, sáng nào, anh Hà Văn Nự (bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) cũng có mặt tại cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Y tế huyện để uống thuốc nhằm cắt cơn nghiện ma túy. Anh Nự chia sẻ, sau nhiều lần cai nghiện không thành công, nhờ được điều trị bằng Methadone theo đúng phác đồ của các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện, đến nay, anh không còn cảm giác thèm ma túy, sức khỏe đã được cải thiện hơn trước. Hiện, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn. Người dân trong bản cũng không còn xa lánh anh như trước đây. Anh đã giới thiệu cho nhiều người đến cơ sở để điều trị methadone.

Là huyện vùng biên ở Thanh Hóa, Mường Lát giáp ranh với các điểm nóng ma túy của Sơn La và nước bạn Lào. Do đó, số người nghiện ma túy ở đây chiếm tỷ lệ cao. Tháng 9/2013, Cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone huyện Mường Lát (thuộc Trung tâm Y tế Mường Lát) đi vào hoạt động. Sau đó 3 năm, để người nghiện có thể tiếp cận điều trị, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập thêm 2 cơ sở cấp phát thuốc Methadone vệ tinh tại 2 xã gồm: Trung Lý và Mường Lý. Việc đưa các cơ sở Methadone vệ tinh vào hoạt động đã giúp người nghiện tiếp cận điều trị dễ dàng, giảm chi phí trong việc đi lại, góp phần nâng cao hiệu quả của việc điều trị cai nghiện tại cộng đồng. Từ đó đến nay, các cơ sở này đã điều trị cho 532 người.

Thời gian qua, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở Mường Lát đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của người nghiện ma túy, gia đình người nghiện và của cộng đồng. Việc điều trị Methadone đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, giảm nguy cơ mắc và lây truyền các bệnh qua đường máu như: HIV, viêm gan B và C... Ngoài ra, chi phí người nghiện bỏ ra uống Methadone thấp, dễ kiểm soát. Người nghiện được cải thiện về tình trạng sức khỏe…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, huyện Mường Lát cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát Hà Thị Phúc, tỷ lệ bệnh nhân ở địa phương bỏ điều trị cao. Sáu tháng đầu năm 2024, tại Mường Lát có tới 5 bệnh nhân tự ý bỏ uống thuốc. Ngoài ra, một số bệnh nhân đang trong quá trình điều trị tại cơ sở vẫn đồng thời sử dụng trái phép chất ma túy, dù đã được cai nghiện nhiều lần với nhiều hình thức như: cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện tập trung. Điều này tạo nên nghịch lý, đó là trong khi số lượng người nghiện ma túy nhiều, thuốc Methadone không thiếu nhưng họ lại không tiếp cận được. Năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã phải chuyển 119.567ml thuốc tồn năm 2023 sang.

Bà Hà Thị Phúc khẳng định: “Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát sẽ nỗ lực tăng thêm các loại hình dịch vụ mới như: dịch vụ xét nghiệm HIV online thông qua website “tuxetnghiem.vn”; dịch vụ điều trị Methadone cho các bệnh nhân điều trị ngoại trú do ốm đau, bệnh tật; tư vấn điều trị, giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng của người nghiện… để có thêm nhiều người được tiếp cận với phương pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.”

Tăng cường truyền thông để thu dung thêm bệnh nhân mới

Chú thích ảnhPhòng khám, điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện chất - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa điều trị Methadone cho 149 bệnh nhân. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.383 người nghiện có hồ sơ quản lý. Người nghiện chủ yếu là nam giới (chiếm 98,2%), ở độ tuổi từ đủ 30 tuổi trở lên (chiếm 80,8%), đa phần có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông (chiếm 73,5%); chủ yếu người nghiện không có việc làm (chiếm 43,7%) hoặc có việc làm nhưng không ổn định (chiếm 42,6%)… đa phần người nghiện sử dụng heroin (chiếm hơn 75%).
 
Để góp phần làm giảm các bệnh lây qua đường máu và một số bệnh liên quan trong người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục mở rộng các dịch vụ cũng như chương trình Methadone trên địa bàn. Đặc biệt, từ 1/1/2020, tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 195/2019/NQ-HĐND, ngày 16/10/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc quy định giá một số dịch vụ và mức hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở điều trị của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết này đã góp phần tạo điều kiện cho một số cơ sở có số lượng bệnh nhân đông trong hoạt động tư vấn, điều trị. Trong đó, Thanh Hóa hỗ trợ 100% chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho các đối tượng như: thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người nghèo, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng…

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 1.629 bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone; trong đó, số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone có nhiễm HIV là 210 bệnh nhân, đang điều trị ARV là 196 người.

Để nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện bằng Methadone, bác sĩ Trương Văn Tú, Phó trưởng Phòng khám, điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện chất (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa) cho biết, dù hiệu quả của việc điều trị thay thế bằng Methadone đã được kiểm chứng trong thực tiễn nhưng mô hình này chỉ có tác dụng tích cực đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trong khi đó, hiện đa số người nghiện ma túy sử dụng ma túy tổng hợp nên số người tham gia điều trị cai nghiện bằng Methadone chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác dụng của việc điều trị thay thế bằng Methadone cũng như các loại hình dịch vụ mới để thu dung thêm bệnh nhân mới.

Nguồn bài viết