Điều dưỡng viên - 'Superman' đời thực và phần thưởng không mua được bằng tiền

3 năm trước 357

Câu chuyện về điều kì diệu từ vị tiến sĩ của VinUni

"Vì sao con lại chọn nghề 'kém sang' như thế trong khi thừa sức học bất cứ ngành nào"... Tới tận bây giờ, sau nửa năm làm sinh viên ngành Điều dưỡng, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni, cô gái sinh năm 2002, Trần Ngọc Trân, vẫn phải học cách quen với thắc mắc và cả những chất vấn như vậy.

Trân đến với ngành điều dưỡng một cách tự nhiên từ khi cô bé nhỏ tuổi cứ buổi trưa lại nhẹ nhàng tới từng bàn, đắp chăn cho từng bạn. Lớn hơn, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương, Trân biết, cuộc đời mình sẽ gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe. "Em không muốn ai phải chịu đau đớn thể xác mà không nhận được sự chăm sóc", Trân nói.

Mang theo tất cả những mơ ước ấy đến VinUni, quãng thời gian nửa năm tại đây đã khiến Trân càng kiên định với mong ước của mình. Với nhiều người, công việc của điều dưỡng viên bao hàm những gì “kém sang” như gấp chăn ga, tắm rửa, đánh răng cho người bệnh... Thế nhưng, Trân bảo, em nhớ mãi một câu hỏi từ người thầy của em ở VinUni: “Vì sao lại nghĩ việc đó là "bẩn", là “kém sang”. Quan trọng đổi lại là người bệnh của chúng ta được gì? Bất kỳ ai cũng cần được chăm sóc, và bất kỳ ai cũng có trách nhiệm chăm sóc người khác.”

Chú thích ảnhNgành điều dưỡng ở nước ta luôn ở trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Với cô gái trẻ như Trân, mọi thứ có thể xuất phát từ lòng trắc ẩn. Thế nhưng, câu chuyện từ thầy cô đã khiến em hiểu ra, phía sau lòng trắc ẩn sẽ là những giây phút không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì.

TS Hoàng Lan Vân (Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni) gọi đó là khoảnh khắc kì diệu. Ấy là khi TS Vân được tận tay chăm sóc một em bé bị bệnh tim kèm viêm da toàn thân nặng. Cuộc chiến của sinh linh nhỏ bé ấy, với từng giây từng phút chăm sóc tỉ mỉ của TS Vân và đồng nghiệp đã được đền đáp khi bệnh tình của bé thuyên giảm. Nụ cười lẫn nước mắt của người mẹ khi bế em bé lở loét ngày nào nay đã trắng hồng là "phần thưởng" - như cách gọi đầy trân trọng TS. Vân, không mua được bằng tiền và không phải ai cũng có cơ hội được cảm nhận.

Câu chuyện có thực của TS. Hoàng Lan Vân đã truyền cảm hứng cho những học trò như Nguyễn Lê Quỳnh Giang - người đã quyết định rẽ hướng, từ Canada về Việt Nam để quyết tâm theo đuổi mơ ước trở thành một điều dưỡng viên.

Giang vẫn nhớ câu nói của TS. Nguyễn Thị Hoa Huyền (Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni): Nếu em chọn một con đường dễ dàng, thành công không chờ em ở cuối đường. Thành công được Giang lí giải là trở thành một "Superman" theo nghĩa đời thường. Đó không cần là người có thể nâng cả một tòa nhà, đơn giản là có thể giúp những con người từ ốm yếu trở nên khỏe mạnh.

"Nếu không có bắt đầu, sẽ không có sự thay đổi"

Không chỉ được nuôi dưỡng giấc mơ, nửa năm ở VinUni với Nguyễn Lê Quỳnh Giang là quãng thời gian "chân thực". Giang kể, em được thực hành một cách chuẩn mực nhất trong trung tâm mô phỏng không khác gì một bệnh viện quốc tế, được học cách giao tiếp, xử lý tình huống, một cách tỉ mỉ kể cả khi gặp người khiếm thính, khiếm thị, suy giảm trí tuệ...

Giang cũng đã tới các bệnh viện, để trải nghiệm tương tác trực tiếp với bệnh nhân, được trò chuyện với những điều dưỡng viên xuất sắc nhất. Nếu không phải tại VinUni, Giang bảo, rất khó để em và các bạn chỉ trong nửa năm có thể thu nhận được tất cả những trải nghiệm đáng giá ấy.

Cũng chính từ cách học gắn với thực tế ấy, cô học trò Trần Ngọc Trân hiểu rằng, định nghĩa đúng về một điều dưỡng khác rất nhiều so với suy nghĩ của mọi người. Trân bảo, em không chỉ cần nắm vững lượng kiến thức khổng lồ về y khoa, từ hóa sinh, lí sinh đến dược lí học, mà còn phải thực sự có nghệ thuật chăm sóc người bệnh.

Chú thích ảnhChương trình điều dưỡng của VinUni với sự chung tay với Đại học Pennsylvania đã xây dựng theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Đó là sự khác biệt dành riêng cho những sinh viên xuất sắc của VinUni. Như lời TS Hoàng Lan Vân, chương trình điều dưỡng của VinUni với sự chung tay với Đại học Pennsylvania đã xây dựng theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, với một phần chú trọng về "phần hồn", đó là nghệ thuật giao tiếp, khả năng thấu cảm, đồng hành với người bệnh ở những phút giây khó khăn nhất của cuộc đời họ. Điều ấy tưởng như không quan trọng nhưng thực tế, chỉ người nắm rõ thực tế, trải nghiệm, tâm tư của người bệnh mới tạo được tác động to lớn, cả về thể chất và tinh thần.

Hành trình của điều dưỡng viên bởi thế không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ. Vậy nên, Nguyễn Lê Quỳnh Giang bảo rằng, em và rất nhiều bạn thấy chạnh lòng khi tới hiện tại, dù đã thay đổi cách gọi 30 năm nhưng nhiều người vẫn gọi "điều dưỡng viên" là "y tá" với định kiến chỉ là những người "trợ tá" trong bệnh viện. Sự nhầm lẫn này trên thế giới không nhiều nhưng tại Việt Nam, điều ấy vẫn khá phổ biến.

Chú thích ảnhVới nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng lên của con người, điều dưỡng viên là người giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

"Đó sẽ là quãng thời gian rất dài để thay đổi nhận thức nhưng nếu không có người bắt đầu thì sẽ không có sự thay đổi", cô gái trẻ quả quyết.

Còn với cô nữ sinh Trần Ngọc Trân, em bảo, với nền tảng kiến thức, vốn tiếng Anh và cả trải nghiệm ở VinUni, em hoàn toàn có thể xin việc ở nhiều nơi trên thế giới bởi điều dưỡng với các bệnh viên lớn trên thế giới đều là nhân sự quý. Có thể em sẽ trải nghiệm một thời gian nhưng ở nơi sâu thẳm nhất, điều em mong muốn sẽ quay lại chính ngôi trường VinUni.

"Em muốn sẽ người truyền cảm hứng cho các em sinh viên, giống như những gì mình đang được nhận tại đây. Để tạo ra sự nhìn nhận khác của xã hội với nghề điều dưỡng, không gì hơn là giữ được ngọn lửa cho những thế hệ sau này", Trân nói.

Học phí của Chương trình Cử nhân Điều dưỡng theo định hướng thực hành chăm sóc tại VinUni là hơn 300 triệu đồng/năm (tương đương 15.000 USD/năm). VinUni có nhiều gói học bổng giá trị như học bổng toàn phần (học phí + sinh hoạt phí), 100% hoặc 90% học phí. Các sinh viên cũng có thể được nhận gói hỗ trợ tài chính ở các mức 80% hoặc 70% học phí. VinUni đang nhận hồ sơ tuyển sinh của các ứng viên năm học 2021 – 2022 từ nay đến hết ngày 15/04/2021.
Nguồn bài viết