Thưa ông, sau kỳ nghỉ Lễ 2/9, nhiều người dân đã có phản ứng khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 8 tăng vọt bất ngờ, nguyên nhân nào khiến cho tiền điện của các hộ dân tăng cao như vậy?
Riêng trong tháng 8/2023, các Công ty Điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tùy theo khả năng đã triển khai thay đổi ngày ghi điện về cuối tháng hơn 400.000 khách hàng thuộc các phiên ghi điện cũ được ghi từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng nên ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 đối với các khách hàng này tăng thêm từ 11 đến 28 ngày, tương ứng với lịch phát hành hóa đơn và thanh toán cũng dời về đầu tháng 9/2023.
Một số khách hàng đã thắc mắc vì sao tiền điện tháng 8 "tăng chóng mặt" so với tháng trước, đầu tiên là do việc ngành điện chuyển ngày ghi điện về cuối tháng nên số ngày sử dụng điện của khách hàng tháng 8 tăng thêm từ 11 đến 28 ngày tùy theo phiên ghi điện cũ. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khách quan nữa có thể khách hàng chưa để ý, đó là các ngày trong tháng 8 thời tiết nắng nóng hơn nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng hơn so với tháng 7. Thực tế, đơn vị không tăng giá điện và khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra lượng điện tiêu thụ hàng ngày của gia đình mình trên ứng dụng CSKH-EVNHCMC để rõ hơn thực hư của chuyện này.
Thưa ông, cách thay đổi thời gian ghi chỉ số tiêu thụ điện mới này sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân khi sử dụng?
Khi đơn vị thay đổi thời gian tính giá điện mới sẽ giúp khách hàng dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các khách hàng là doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán “Kỳ kế toán tháng, là 1 tháng tính từ đầu ngày 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng”.
Còn đối với cách tính toán và áp dụng đơn giá, EVNHCMC khẳng định là đã tuân thủ đúng quy định về đơn giá và phương pháp tính theo quy định hiện hành tại Thông tư 16/2014/TT-BCT, Thông tư 09/2023/TT-BCT và Quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 quy định về biểu giá điện. Về định mức bậc thang tính cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt thì số kwh ở mỗi bậc thang được tính tăng thêm tương ứng với số ngày sử dụng tăng thêm do thay đổi ngày ghi chỉ số.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành điện đã thực hiện thay đổi kỳ ghi điện với khoảng 1,1 triệu khách hàng. Đợt tháng 8 là 400.000 khách hàng và dự kiến đến phiên ghi điện tháng 9 sẽ tiếp tục điều chỉnh đối với khoảng 400.000 - 500.000 khách hàng. Mục tiêu đến năm 2024 sẽ hoàn tất 100% khách hàng mục đích sinh hoạt, khách hàng mục đích ngoài sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ <50.000 KWh/tháng sẽ chỉ ghi điện 1 ngày vào cuối mỗi tháng.
Thưa ông, để khách hàng không bị bất ngờ và cho rằng ngành điện lại tăng giá như lần này, Điện lực TP Hồ Chí Minh đã có giải pháp nào thông báo đến người dân chưa?
Thực tế, trước mỗi đợt thay đổi ngày ghi điện, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đều cân nhắc thời điểm phù hợp (không phải là cao điểm sử dụng điện) và đều có thông báo rõ ràng đến khách hàng. Vì vậy, lần này, đơn vị chỉ thay đổi cách tính giá điện chứ không phải tăng giá khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn.
Hình thức thông báo về thay đổi cách tính giá điện, tiền điện hàng tháng đến khách hàng là qua tin nhắn trực tiếp từ ứng dụng (app) Chăm sóc khách hàng và Zalo; đồng thời cũng đã thông báo qua các địa bàn quản lý. Trường hợp khách hàng thắc mắc, có thể liên hệ tổng đài 1900545454, Ứng dụng CSKH-EVNHCMC, fanpage EVNHCM trên Facebook, Zalo để các Công ty Điện lực liên hệ trực tiếp giải thích chi tiết cho khách hàng.
Ngành điện TP Hồ Chí Minh chỉ đổi cách ghi tiền điện chứ chưa điều chỉnh tăng giá điện như người dân thắc mắc.Hiện nay, có thể thấy, việc thay đổi phiên ghi điện được thực hiện đối với một số lượng lớn khách hàng, điều đó có thể sẽ gây ra những bất tiện đối với một số khách hàng, chủ yếu là khi chưa thông hiểu cách tính tiền hiện nay của ngành. Vì vậy, chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự bất tiện này. Rất mong khách hàng thông hiểu và cam kết sẽ nỗ lực để giải đáp từng ý kiến thắc mắc. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong công tác triển khai để ngày càng phục vụ khách hàng được tốt hơn.