Đôi bạn trẻ thích thú trước gian hàng bán đồ Tết - Ảnh: HÀ QUÂN
Đến chợ Hàng Lược những ngày này, du khách có cơ hội trải nghiệm phong vị Hà thành xưa cũ, vừa đi chợ vừa thưởng hoa. Mỗi năm, chợ hoa Hàng Lược chỉ họp đúng một phiên duy nhất từ ngày 20 tháng chạp đến tối 30 Tết, sát lúc Giao thừa chợ mới vãn để bà con vui xuân đón Tết.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hàng trăm gian hàng của các tiểu thương trải dài khắp các con phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi, kéo dài tới cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng trong khu phố cổ Hà Nội.
Trước kia, chợ Hàng Lược đã từng là nơi tập trung những bông hoa tươi tắn nhất, những cành đào, quất đẹp nhất Hà thành, từ những làng hoa có tiếng như Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân… Ngày nay, người dân còn buôn bán thêm các đồ trang trí Tết như lồng đèn, giấy dán tường…
Một đại diện Ban quản lý chợ Hàng Lược cho biết, số tiểu thương buôn bán tại chợ hoa Hàng Lược khoảng 170 hộ, bằng 70% so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vị này cũng cho biết, các tiểu thương đang bán hàng chủ yếu để lưu giữ không khí Tết đến xuân về, như một cái lệ chứ không tính toán lời lãi.
Bà Nguyễn Xuân Mai - chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã - chia sẻ: "Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua của khách chỉ bằng 50% so với mọi năm, lượng hàng nhập về cũng vì thế mà giảm đi. Nhưng giá cả các mặt hàng trang trí Tết nhỉnh hơn chút ít so với năm ngoái".
"Bà con ai cũng nhập ít hàng hơn năm ngoái, nếu không may đóng cửa chợ thì vẫn có thể đối phó được. Gần Tết, giá có tăng chút ít, bộ ông Công ông Táo giá 150 - 250 nghìn đồng tùy cỡ, giá lồng đèn trang trí từ 500 - 600 nghìn đồng/cái, hình trâu treo tường giá 100 - 200 nghìn đồng. Nhưng cháy hàng phải kể đến lì xì hình trâu vàng, loại đẹp giá 15 nghìn vẫn không còn mà bán. Muốn có thì phải đặt trước từ đầu tháng", tiểu thương Đỗ Văn Hưng buôn bán tại chợ Hàng Lược tâm sự.
Những sĩ quan quân đội thích thú khi thưởng ngoạn chợ Hàng Lược - Ảnh: H.Q
Những cành đào xuân đỏ sắc được người dân ưa chuộng - Ảnh: H.Q
Nhiều bạn trẻ đã chọn được những món vật phẩm trang trí Tết Tân Sửu - Ảnh: H.Q
Nhiều người mua hàng "đắn đo" suy nghĩ trước khi chọn mua món hàng ưng ý - Ảnh: H.Q
Nhiều bạn trẻ đi vài vòng chợ đã "tay xách nách mang" những món đồ Tết - Ảnh: H.Q
Cô Anna, người Nga đến từ TP Vladivostok, dùng điện thoại thông minh để gọi về quê nhà, chia sẻ cho bạn bè không khí Tết ở Việt Nam - Ảnh: H.Q
Các món đồ cổ được xếp cùng với những chú trâu gỗ giúp nhiều tiểu thương thu hút khách mua hàng - Ảnh: H.Q
Gian hàng đồ cổ như tiền xu, lư hương đồng, tượng đồng... được nhiều du khách quan tâm - Ảnh: H.Q
Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu.
Đến năm 1912, Hàng Lược trở thành chợ hoa xuân nức tiếng Thăng Long với vô vàn chủng loại, từ đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà đến các loại hoa mới ở vườn Bách Thảo.
Phố Hàng Lược ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, dài 264 m, nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá. Hơn 100 năm kể từ phiên họp đầu tiên, chỉ trừ Tết Đinh Hợi 1947 Hà Nội đang là chiến trường, còn lại không năm nào Hàng Lược không có chợ hoa.