'Đi chơi về muộn, muốn giấu lại cứ hỏi uống với ai, làm gì… tự nhiên đàn ông phải nói dối'

2 năm trước 131


Đi chơi về muộn, muốn giấu lại cứ hỏi uống với ai, làm gì… tự nhiên đàn ông phải nói dối - Ảnh 1.

Những người đàn ông tiên phong tham gia vào nhóm "Làm cha là thế" - Ảnh: HÀ THANH

Ngày 24-11, tại Hà Nội diễn ra diễn đàn thường niên nhân Ngày Quốc tế nam giới với chủ đề "Đồng hành cùng nam giới và trẻ em trai trong việc giảm thiểu áp lực liên quan đến vai trò giới truyền thống", quy tụ rất nhiều nhà hoạt động xã hội, các nhóm hoạt động nam giới tiên phong, tổ chức trong nước và quốc tế đến tham dự.

Chỉ ra một nghiên cứu gần đây trong và sau đại dịch COVID-19, TS Trần Kiên - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - cho biết tình trạng đáng quan ngại về bạo lực trên cơ sở giới diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. 

Vừa qua ISDS đã tiến hành khảo sát trên 300 phụ nữ ở Hà Nội trong thời kỳ đại dịch, có đến 93% phụ nữ được phỏng vấn cho biết có trải nghiệm một trong các hình thức bạo lực không chỉ về thể xác mà còn tinh thần, kinh tế, thậm chí tình dục.

Ông cho rằng đó là tình trạng đáng quan ngại, do đó cần phải có những biện pháp, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng để giải quyết tình trạng này.

Ông cho biết hiện nay có rất nhiều nhóm nam giới đang thực sự chung tay giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới như: Câu lạc bộ Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng, Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây, chiến dịch "Hôn nhân không khuôn mẫu", "Làm cha là thế"…

"Những người nam giới dạy nhau cách tôn trọng vợ hơn, dạy nhau cách vào bếp. Đừng nghĩ chữ bình đẳng giới là cái gì to tát, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất như thế" - ông Kiên nói.

Đi chơi về muộn, muốn giấu lại cứ hỏi uống với ai, làm gì… tự nhiên đàn ông phải nói dối - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Ảnh: HÀ THANH

Tâm đắc với từ "đàng hoàng", PGS Nguyễn Lân Hiếu - chủ tịch ban điều hành Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMENNET) - chia sẻ mong muốn đàn ông Việt Nam ngày càng trở nên đàng hoàng hơn, đủ sự tự tin, còn phụ nữ hãy cố gắng tạo điều kiện để đàn ông trở nên đàng hoàng hơn.

"Đi chơi về muộn, người ta muốn giấu lại cứ hỏi uống với ai, làm gì… tự nhiên người đàn ông lại nói dối, thành ra yếu thế. Làm sao để mọi người cùng nhau sống trong cuộc sống đàng hoàng, có niềm tin với nhau, trao yêu thương, giúp đỡ nhau vượt khó khăn" - ông Hiếu chia sẻ.

Đến từ Đà Nẵng, anh Hồ Phú Thanh nêu những sáng kiến của Câu lạc bộ Nam giới tiên phong để tạo ra sự thay đổi, vận động phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái như tổ chức kịch hóa sân khấu, diễn hài, hát dân ca tại các thôn, bản… để mọi người có thể tiếp cận với những hoạt động của câu lạc bộ, lan tỏa trong cộng đồng.

Từ chính thực tế ở địa bàn sinh sống, anh nhận thấy tình trạng bạo lực hầu hết rơi vào gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, vấn đề cơm áo gạo tiền nảy sinh dễ xảy ra vấn đề bạo lực gia đình, thậm chí bạo lực tinh thần ở cả hai giới hay xuất phát từ những nhóm đàn ông nghiện rượu, có "ma men" trong người.

"Việc chúng ta cần phải bàn đến cũng là trách nhiệm của người phụ nữ. Khi bạo lực gia đình xảy ra, người phụ nữ có dám đứng lên tố cáo? Chồng đi nhậu tối về đánh tím hết mặt mày, sáng ngày mai có dám đứng ra tố cáo không hay sợ xấu hổ?" - anh Thanh đặt câu hỏi.

Cho rằng "gốc rễ" của vấn đề nằm từ gia đình, bà Lê Thu Hà - giám đốc Trung tâm trẻ em và phát triển - chia sẻ "nuôi dưỡng một đứa trẻ cần có cả một ngôi làng", cần chú trọng đến nâng cao nhận thức nhóm phụ huynh cha mẹ, giáo viên là những nhóm ảnh hưởng đến trẻ.

"Tôi nghĩ phải làm từ gốc rễ, từ gia đình. Những thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là hậu quả, bề nổi. Bản chất là khi các hoạt động thay đổi nhận thức được tác động ngay từ bé sẽ tạo ra một thế hệ khác" - bà Hà nói.

Diễn đàn do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) phối hợp với Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMENNET) tổ chức nhân Ngày Quốc tế nam giới để hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 15-11 - 15-12, và Chiến dịch toàn cầu 16 ngày 'Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực giới'.

Chồng đừng hình trước độ tấu hài của vợ khi vào bếpChồng đừng hình trước độ tấu hài của vợ khi vào bếp

"Đang nấu ăn mệt rồi cứ đứng cạnh nói nói. May là chưa lật cái chảo vô mặt đấy!", một người dùng hài hước bình luận khi xem video.


Nguồn bài viết