Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
So với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi bổ sung thêm nhiều điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng.
Cụ thể các điều 8, 9, 10, 11 quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; bảo vệ thông tin người tiêu dùng; thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là quy định tại khoản 4, điều 11 về sử dụng thông tin của người tiêu dùng quy định rõ:
Tổ chức cá nhân kinh doanh thu thập, sử dụng thông tin phải có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho bên thứ ba và sử dụng thông tin để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa các hoạt động có tính thương mại khác.
Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 4 bổ sung thêm quy định trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể chuyển giao thông tin đã được thu thập mà không cần có ý kiến cho phép.
Cụ thể là việc chuyển giao thông tin người tiêu dùng cho bên thứ ba lưu trữ hoặc phân tích nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của bên chuyển giao và hai bên đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng.
Dự thảo luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ hoặc chuyển giao thông tin của mình cho bên thứ ba. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói thực tế khi mua hàng hóa, các bên bán hàng hóa, dịch vụ thường yêu cầu khách hàng cung cấp thêm thông tin cá nhân. Sau đó, mọi người hay nhận rất nhiều tin nhắn rác, điện thoại rác trên cơ sở sử dụng thông tin khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Thậm chí ông Thanh cho hay nhiều khi "đang họp còn nhận các tin nhắn rác, cuộc gọi chào mua bất động sản, hàng hóa"…
“Câu chuyện như thế này xử lý như thế nào để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng?”, ông Thanh nói và cho rằng cần quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân, việc chia sẻ với bên thứ ba để không được lạm dụng, gây phiền toái cho người tiêu dùng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau đó nhắc lại phiên chất vấn mới đây bộ trưởng Bộ Công an nói trước mắt Chính phủ sẽ xây dựng nghị định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, đến năm 2024 mới xúc tiến xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Trong điều kiện như vậy, tính tương thích của luật này với các pháp luật có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào? Chúng ta dẫn chiếu hay chờ hay quy định trước một số luôn?”, ông Huệ đặt vấn đề.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay quy định đưa ra như trên nhằm bảo vệ tối đa thông tin của người tiêu dùng và không tạo gánh nặng, phát sinh chi phí.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để cụ thể hóa hơn, tức là sẽ chỉ được sử dụng thông tin của người tiêu dùng với mục đích kinh doanh, chứ không sử dụng cho mục đích khác”, ông Diên nói.
Tại điều 17 về các hành vi bị cấm của dự thảo luật cũng quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.
Một hành vi bị cấm là tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.