Đa dạng hình thức giáo dục phổ cập cho người khiếm thị

5 tháng trước 44
Chú thích ảnhÔng Đinh Xuân Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù Việt Nam phát biểu. 

Hội thảo nhằm góp phần tạo điều kiện cho người khiếm thị có cơ hội tham gia giáo dục phổ thông đảm bảo chất lượng, hiệu quả; từ đó, được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tiếp tục phấn đấu vươn lên, trở thành những công dân tích cực, hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị đã đạt được kết quả nổi bật là hỗ trợ trẻ em, học sinh, học viên khiếm thị tham gia học phổ thông, được Trung ương Hội và nhiều tỉnh, thành phố quan tâm triển khai tích cực, đồng bộ và đạt kết quả tốt. Các cấp Hội đã nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng tại địa phương và cộng đồng xã hội. Một số tỉnh đã quan tâm vận dụng các chế độ, chính sách cho cán bộ quản lí, giáo viên của các hội viên cấp tỉnh, thành phố và trung tâm giáo dục thuộc Hội; hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp học và các hoạt động giáo dục cho trẻ em, học sinh, học viên khiếm thị. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của các đơn vị tâm huyết, nhiệt tình, quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, người khiếm thị trong học tập và sinh hoạt. Bên cạnh đó, công tác giáo dục phổ thông cho người khiếm thị cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các giáo viên, các nhà trường và phụ huynh học sinh. Hầu hết trẻ em, người khiếm thị luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống…

Chú thích ảnhBà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu. 

Trong 5 năm 2017 – 2022, toàn Hội đã mở được 280 lớp tiền hòa nhập cho 1.694 em. Các em được học chữ Braille, định hướng không gian và đi lại, thực hiện các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, kĩ năng giao tiếp… để chuẩn bị bước vào lớp 1. Một số học sinh, người khiếm thị chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được học xóa mù chữ, phục hồi chức năng để tiếp tục tham gia học tập. Hầu hết học sinh, học viên đều đạt yêu cầu, được lên lớp và chuyển cấp, trong đó có nhiều em đạt học sinh khá giỏi, một số em đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, các cuộc thi văn nghệ, thể thao; có em đỗ Thủ khoa trong các kì thi đầu vào đại học, nhận học bổng của các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế… Đến nay, đã có gần 800 người khiếm thị trong cả nước có bằng cao đẳng, đại học, hàng chục người có bằng Thạc sĩ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế như: nguồn nhân lực, kinh phí, trang thiết bị để triển khai thực hiện công tác giáo dục của các cấp Hội còn hạn chế. Các trung tâm giáo dục, hướng nghiệp của Hội tuy được hỗ trợ một phần kinh phí nhưng còn rất thiếu thốn; chế độ, chính sách dành cho cán bộ, giáo viên chưa được thực hiện đầy đủ; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo điều kiện tiếp cận cho học sinh khiếm thị. Mặt khác, sách giáo khoa, phương tiện, đồ dùng học tập của học sinh khiếm thị còn thiếu thốn, đặc biệt là sách giáo khoa theo chương trình mới. Một số đơn vị thực hiện các giải pháp tạm thời như: đọc cho các em chép lại, chuyển đổi từng bài trong sách sang định dạng dễ tiếp cận… nhưng vẫn còn thiếu và không kịp thời.

Để thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị trong thời gian tới, Hội Người mù Việt Nam đã đề ra phương hướng và các giải pháp trọng tâm như: phối hợp với các cơ quan chức năng để khảo sát, nắm bắt tình hình, hoàn cảnh, điều kiện của trẻ em, người khiếm thị cần được học tập; báo cáo, đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và huy động nguồn lực để tiến hành can thiệp sớm, phục hồi chức năng, mở các lớp tiền hòa nhập, xóa mù chữ, tin học, hướng nghiệp, hỗ trợ cho trẻ em, người khiếm thị tham gia các bậc học phổ thông.

Chú thích ảnhBà Lê Thị Diệu Châu, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng phát biểu. 

Hội cũng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, gia đình và cộng đồng về công tác giáo dục đối với người khiếm thị; giúp người khiếm thị nuôi dưỡng ý chí, nghị lực vươn lên, động viên gia đình và kêu gọi cộng đồng quan tâm hỗ trợ người khiếm thị trong học tập; tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ quản lí, giáo viên dạy tiền hòa nhập, xóa mù chữ, phục hồi chức năng, tin học, sản xuất các học cụ, vận động hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, phát triển công nghệ thông tin trong toàn Hội.

Hội cũng sẽ tổ chức chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa bằng chữ Braille và các định dạng kĩ thuật số, góp phần tháo gỡ những khó khăn về sách giáo khoa cho người khiếm thị; phát triển mô hình Trung tâm giáo dục thuộc các tỉnh, thành phố để tổ chức nuôi dạy, hỗ trợ trẻ em, người khiếm thị tham gia học tập đạt kết quả tốt...

Tại Hội thảo, đại diện Hội Người mù của các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những cách làm hay, những kết quả nổi bật trong công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị tại các địa phương cũng như các khó khăn, vướng mắc và các ý kiến kiến nghị.

Dịp này, Hội Người mù Việt Nam đã trao giải cho 31 thí sinh xuất sắc nhận giải thưởng Cuộc thi “Lan tỏa cuốn sách tôi yêu và tấm gương học tập suốt đời”, trong đó giải Nhất thuộc về thí sinh Hoàng Văn Khương, Hội Người mù thành phố Đà Nẵng và thí sinh Ma Thị Phương, Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn bài viết