Ông Tập Cận Bình (giữa) thăm một phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin COVID-19 tháng 3-2020 - Ảnh: CGTN
Lời kêu gọi được đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 30-10.
"Chúng ta nên đối xử công bằng với tất cả các loại vắc xin và thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về vắc xin dựa trên danh sách sử dụng khẩn cấp vắc xin của WHO", ông Tập thúc giục.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp 1,6 tỉ liều vắc xin COVID-19 các loại cho thế giới và đang hợp tác sản xuất vắc xin với 16 nước khác.
"Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để cải thiện khả năng tiếp cận vắc xin COVID-19 và giá cả ở mức phải chăng cho các nước đang phát triển, đóng góp tích cực vào việc xây dựng lá chắn vắc xin toàn cầu", ông Tập nêu vấn đề.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các công ty nên chuyển giao công nghệ vắc xin cho các nước đang phát triển, kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới tạm hoãn các quy định liên quan bằng sáng chế vắc xin.
Theo bản tóm tắt bài phát biểu do Tân Hoa xã công bố, chủ tịch Trung Quốc còn đưa ra một loạt kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận và phát triển vắc xin COVID-19, thực hiện mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.
Lời kêu gọi đối xử công bằng với tất cả vắc xin được ông Tập đưa ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước không tính người tiêm vắc xin Trung Quốc vào diện đã tiêm đủ liều.
Trong hội nghị ngày 30-10, không chỉ ông Tập mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra những lời "phàn nàn" về việc vắc xin Nga không được công nhận, theo Hãng thông tấn AFP.
Trung Quốc có hai loại vắc xin nằm trong danh sách phê duyệt sử dụng khẩn cấp của WHO là Sinovac và Sinopharm/BBIBP (tại Việt Nam còn được biết đến với tên gọi Vero Cell).
Trong khi đó, dù là nước có vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép, vắc xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.