Ông Trump bị luận tội, rồi sao nữa?

3 năm trước 1186
Ông Trump bị luận tội, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Người dân và cả chuyên gia luật vẫn đang tranh luận về việc liệu ông Trump có bị cấm ra tranh cử hay không - Ảnh: REUTERS

Phó tổng thống Mike Pence đã từ chối kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất ông Trump bất chấp sức ép từ phe Dân chủ tại Quốc hội. Mọi ánh mắt giờ đang đổ dồn về Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người đã cảnh báo sẽ khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Trump nếu ông Pence khước từ.

Một nhóm nghị sĩ Dân chủ trước đó đã trình điều khoản luận tội duy nhất, cáo buộc ông Trump "kích động bạo lực chống lại chính phủ Mỹ". Các tiếng nói đòi loại bỏ Tổng thống Trump xuất hiện sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6-1.

Khó qua ải Thượng viện

Với việc đang chiếm đa số tại Hạ viện, phe Dân chủ sẽ không mấy khó khăn thông qua điều khoản luận tội Tổng thống Trump và đẩy tiến trình tới Thượng viện, nơi có quyền kết tội hay tha bổng. Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã được yêu cầu chuẩn bị tinh thần cho phiên bỏ phiếu ngày 13-1 (giờ Mỹ).

Bà Pelosi có thể chuyển kết quả biểu quyết tới Thượng viện ngay trong ngày 13-1, nhưng việc có được tiếp nhận hay không lại là việc khác.

Thượng viện đang trong thời gian nghỉ và chỉ nhóm họp trở lại vào ngày 19-1 tới, tức chỉ một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Như vậy, phải sớm nhất đến ngày 19-1, kết quả biểu quyết và điều khoản luận tội ông Trump mới được Thượng viện xem xét.

Theo đúng quy định, phiên xử tại Thượng viện sẽ bắt đầu lúc 13h ngày 20-1. Rắc rối lớn hơn bắt đầu từ đây, bởi khi đó ông Trump đã trở thành cựu tổng thống. Điều này dẫn tới câu hỏi liệu một cựu tổng thống có bị luận tội và xét xử hay không?

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, được cho là đã hối thúc Thượng viện nhóm họp khẩn cấp trước ngày 19-1 để tránh tình huống "vô tiền khoáng hậu". Điều này chỉ có thể xảy ra khi Lãnh đạo phe Cộng hòa đang chiếm đa số là ông Mitch McConnell đồng ý.

Đó là còn chưa kể để kết tội ông Trump, cần phải có ít nhất 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện, tức khoảng 60 thượng nghị sĩ đồng ý. Đảng Dân chủ hiện chỉ có 48 ghế do hai thượng nghị sĩ đắc cử ở Georgia chưa tuyên thệ. Điều này đồng nghĩa nếu muốn kết tội ông Trump trước ngày 20-1, họ phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ của ít nhất 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Ông Trump bị luận tội, rồi sao nữa? - Ảnh 2.

Sau ngày 20-1, ông Schumer (trái) sẽ trở thành Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nhưng trước ngày đó, vai trò này vẫn thuộc về ông McConnell (phải) của đảng Cộng hòa - Ảnh chụp màn hình

Ông Trump có thể bị luận tội kể cả khi đã rời chức?

Các học giả và chuyên gia luật hiến pháp Mỹ đang bị chia rẽ trước câu hỏi hóc búa này. Chưa từng có cựu tổng thống nào bị luận tội trong lịch sử kể từ khi Hiến pháp Mỹ ra đời và có hiệu lực từ thế kỷ 18 đến nay.

Hiến pháp Mỹ nêu rõ hình phạt đối với những người bị kết tội trong các vụ luận tội "không vượt quá việc cách chức". Về danh nghĩa, không thể nào cách chức của một người đã không còn đảm nhận chức vụ đó.

Giáo sư Michael J. Gerhardt, một chuyên gia luật hiến pháp nổi tiếng thuộc Đại học Bắc Carolina, lưu ý sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức lúc 11h trưa 20-1, ông Trump sẽ chính thức trở thành một công dân bình thường. Hiến pháp Mỹ nêu rõ việc luận tội chỉ áp dụng với các "quan chức dân sự", tức người đó vẫn còn phục vụ trong chính quyền vào thời điểm bị luận tội.

Chính vì điều này, khi nhận thấy nguy cơ bị cách chức vì bê bối Watergate một khi bị luận tội, Richard Nixon đã chủ động từ chức trước khi Hạ viện kịp bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội ông.

Ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 của Mỹ, khẳng định Hiến pháp Mỹ đã chỉ rõ ông Trump không thể bị luận tội sau ngày 20-1. Ông nhấn mạnh sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu tin rằng việc luận tội khi ông Trump đã là cựu tổng thống sẽ ngăn được ông ra tái tranh cử năm 2024.

Tuy nhiên, học giả Frank O. Bowman đã chỉ ra một trường hợp có thể xem như ngoại lệ là vụ luận tội Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap năm 1876, dưới thời Tổng thống Ulysses Grant. Nhận thức việc sẽ bị luận tội vì nhận "lại quả", ông Belknap đã từ chức ngay trước khi Hạ viện biểu quyết thông qua các điều khoản luận tội.

Nhưng Hạ viện vẫn tiếp tục biểu quyết và đẩy tiến trình lên Thượng viện. Một cuộc tranh luận sau đó cũng diễn ra tại cơ quan này xung quanh câu hỏi đúng hay sai khi luận tội Belknap vì ông ta đã từ chức.

Cuối cùng, với 37 phiếu thuận và 29 phiếu chống, các thượng nghị sĩ đã thông qua nghị quyết tuyên bố ông Belknap vẫn có thể bị luận tội "vì các hành động đã thực hiện khi còn là Bộ trưởng Chiến tranh bất chấp việc ông ta đã từ chức". Tuy nhiên, trong phiên xét xử, do không đạt đủ 2/3 tổng số phiếu thuận, ông Belknap đã được Thượng viện tha bổng.

Kể từ năm 1789 đến nay, Hạ viện Mỹ đã khởi động 63 tiến trình luận tội. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ chỉ kết tội 8 người và tất cả 8 người này đều là thẩm phán liên bang. Chỉ có 3/8 thẩm phán này bị Thượng viện cấm không được giữ bất kỳ chức vụ liên bang nào sau khi kết tội.

Theo Hãng tin Reuters, chỉ sau khi ông Trump bị kết tội (vốn khó xảy ra), Thượng viện mới có thể tính đến chuyện tổ chức một phiên bỏ phiếu khác với các điều khoản như cấm ông ra tranh cử trong tương lai.

Ông Trump bị luận tội, rồi sao nữa? - Ảnh 4.

Tòa tối cao Mỹ có 9 thẩm phán, trong đó có 6 thẩm phán có quan điểm bảo thủ. 3 người trong số này do ông Trump bổ nhiệm. Trong ảnh: Tổng thống Trump trao đổi với Chánh án Tòa tối cao John Roberts - Ảnh: AFP

Trong bài viết trên báo Washington Post, cựu thẩm phán Luttig đồng ý trường hợp của ông Belknap có thể tính đến khi áp dụng vào trường hợp của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, theo ông Luttig, trường hợp của ông Trump là chưa từng có tiền lệ, do đó có thể sẽ phải kết thúc ở Tòa án Tối cao. Các nghị sĩ sẽ không liều lĩnh tạo ra tiền lệ cho tương lai mà sẽ cậy nhờ vai trò diễn giải luật của 9 thẩm phán tối cao.

"Tòa tối cao sẽ không bị thuyết phục bởi quan điểm của Quốc hội, rằng họ có thể luận tội một người đã không còn là tổng thống, bởi Hiến pháp Mỹ đã nêu rõ điều đó là không thể", ông Luttig nêu quan điểm.

Tiến trình luận tội "có thể dài tới 3 tháng"

Phiên xử tại Thượng viện sẽ không bắt đầu nếu Hạ viện không chuyển kết quả biểu quyết và điều khoản luận tội. Trong lần đầu tiên ông Trump bị luận tội, bà Pelosi đã trì hoãn thủ tục chuyển giao lên Thượng viện hơn 1 tháng dù cả hai viện đều ở trong cùng một tòa nhà.

Theo thẩm phán Luttig, thời gian trì hoãn trong lần luận tội thứ hai (nếu xảy ra) có thể kéo dài hơn. Bà Pelosi sẽ phải trì hoãn việc chuyển giao lên Thượng viện, bởi phe Dân chủ phải tập trung cho việc phê chuẩn nội các của Tổng thống Biden và các quyết sách cấp bách khác trong vòng 100 ngày sau lễ nhậm chức.

Ông Trump phủ nhận trách nhiệm trong vụ bạo loạn Điện CapitolÔng Trump phủ nhận trách nhiệm trong vụ bạo loạn Điện Capitol

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang đối mặt với cáo buộc "kích động bạo lực", ngày 12-1 phủ nhận trách nhiệm về vụ bạo loạn của những người ủng hộ ông tại Điện Capitol hồi tuần trước, cho rằng ông đã có những nhận xét phù hợp.

 Lãnh đạo Đảng Cộng hòa McConnell ủng hộ luận tội ông TrumpFox News: Lãnh đạo Đảng Cộng hòa McConnell ủng hộ luận tội ông Trump

TTO - Nguồn tin của đài Fox News cho biết thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, không hài lòng về ông Trump và sẽ ủng hộ tiến trình luận tội ông do Đảng Dân chủ đề xuất.

Luận tội tổng thống và hàn gắn nước MỹLuận tội tổng thống và hàn gắn nước Mỹ

TTO - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có bị luận tội hay không sẽ không hẳn chỉ là câu chuyện cá nhân ông, mà còn là cơ hội để thể hiện thiện chí hàn gắn và đoàn kết của các chính trị gia.

Nguồn bài viết