Tổng thống Mỹ Biden đội "mũ sợ Chúa" của người Do Thái và trò chuyện với những người sống sót sau cuộc diệt chủng của Đức quốc xã, trong chuyến thăm Israel ngày 13-7 - Ảnh: REUTERS
"Không cần phải là một người Do Thái để trở thành một người theo chủ nghĩa Zion (hay còn gọi là chủ nghĩa phục quốc Do Thái)", Tổng thống Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu tại sân bay Ben Gurion ở Israel ngày 13-7 và mô tả quan hệ song phương là "rất sâu sắc".
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Israel phát cùng ngày, ông Biden mô tả chuyến công du tới Israel khiến ông có cảm giác "như trở về nhà". Đây là chuyến công du thứ 10 của ông Biden trên cương vị tổng thống nhưng là chuyến đầu tiên tới Israel.
Theo Hãng tin Reuters, việc ông Biden lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái có thể trở thành nguồn cơn khiến nhiều người Palestine phẫn nộ. Chủ nghĩa mang nặng tính dân tộc này tin rằng nên có một nhà nước Do Thái gồm những vùng đất mà tổ tiên của họ đã từng sống, bao gồm cả các vùng lãnh thổ như Bờ Tây mà Palestine tuyên bố chủ quyền.
Dường như để trấn an người Palestine, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ vẫn ủng hộ các cuộc đàm phán và cho rằng giải pháp "hai nhà nước" là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề giữa Palestine và Israel.
Trong bài phát biểu chào mừng, Thủ tướng Israel Yair Lapid gọi ông Biden là "một trong những người bạn tốt nhất mà Israel từng biết". Tuy nhiên, theo Reuters, chính sách của Mỹ với Iran và triển vọng trở thành nhà nước của Palestine sẽ còn tiếp tục phủ bóng quan hệ này trong thời gian dài.
Cuộc hội đàm giữa ông Biden với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 15-7 sẽ là cơ hội để Mỹ làm rõ hơn quan điểm về quan hệ Israel - Palestine. Đây sẽ là cuộc hội đàm đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Palestine kể từ chính quyền Barack Obama.
Một vấn đề mới nổi nữa là cái chết của nữ nhà báo người Mỹ gốc Palestine tên Shireen Abu Akleh. Cô này bị bắn chết hôm 11-5 vừa qua trong một chiến dịch quân sự của Israel ở Jenin thuộc Bờ Tây.
Người Palestine tin rằng cô đã bị giết bởi quân đội Israel một cách có chủ ý. Israel phủ nhận việc binh sĩ của họ cố ý và tố ngược lại Palestine.
Washington sau đó đã kết luận rằng nữ nhà báo xấu số đã trúng đạn của Israel nhưng đây không phải là hành động có chủ ý. Mặc dù vậy, trước khi ông Biden đến Israel, phía Mỹ đã yêu cầu những người có liên quan lên tiếng giải trình về sự việc.
Theo AFP, tìm kiếm lời giải thích hợp lý từ Tel Aviv sẽ là một trong những nhiệm vụ chính trong chuyến đi tới Israel lần này.
Việc cải thiện quan hệ Israel và Saudi Arabia - điểm dừng chân thứ hai của ông Biden tại Trung Đông - cũng sẽ nằm trong nghị trình. Tổng thống Mỹ thừa nhận sẽ còn mất một thời gian dài để hòa dịu quan hệ giữa hai bên và để hai nước này chấp nhận sự tồn tại lẫn nhau cũng là một hành động có ý nghĩa.