Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với ông Joe Biden (khi đó là phó tổng thống Mỹ) tại Bắc Kinh vào ngày 4-12-2013. Ông Biden và ông Tập dự kiến sẽ có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tuần tới - Ảnh: REUTERS
Trước đó, dự luật có tên "Đạo luật Thiết bị an ninh" đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua vào ngày 28-10 và qua được cửa Hạ viện Mỹ vào đầu tháng 11 trong một cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 420 (ủng hộ) - 4 (phản đối).
Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trấn áp các công ty công nghệ và viễn thông Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters.
Việc Tổng thống Biden ký ban hành luật diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 15-11. Cuộc họp sẽ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng trên nhiều mặt trận từ thương mại, nhân quyền cho tới các hoạt động quân sự.
Luật mới yêu cầu Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) không được xem xét hoặc phê duyệt bất kỳ đơn xin cấp phép nào đối với thiết bị gây "rủi ro không thể chấp nhận được" đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ủy viên FCC Brendan Carr cho biết ủy ban này đã phê duyệt hơn 3.000 đơn xin từ Huawei kể từ năm 2018. Luật mới "sẽ giúp đảm bảo rằng các thiết bị không an toàn từ các công ty như Huawei và ZTE không thể được đưa vào các mạng viễn thông của Mỹ" - ông Brendan Carr nói.
Hồi tháng 3, FCC đã chỉ định 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, căn cứ vào một luật năm 2019 nhằm bảo vệ các mạng viễn thông của Mỹ.
Các công ty được nêu tên bao gồm Huawei và ZTE cũng như Hytera, Hangzhou Hikvision Digital Technology, và Zhejiang Dahua Technology. Đây đều là các công ty Trung Quốc.
Vào tháng 6, FCC đã bỏ phiếu nhất trí thúc đẩy kế hoạch cấm phê duyệt sử dụng thiết bị từ các công ty Trung Quốc nói trên trong mạng viễn thông của Mỹ, ngay cả khi các nhà lập pháp Mỹ đang theo đuổi dự luật để đưa ra yêu cầu bắt buộc. Cuộc bỏ phiếu của FCC lúc đó đã gây ra sự phản đối từ Bắc Kinh.
"Mỹ vẫn lạm dụng an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty Trung Quốc, mà không có bất kỳ bằng chứng nào" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu hồi tháng 6.