Chênh lệch giá giữa xăng RON95-V (tiêu chuẩn khí thải mức 5) và RON95-III hiện nay là 1.130 đồng/lít - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Xăng 'xịn' (RON-95V, RON-97V...) không phải là loại xăng phổ biến trên thị trường nên không phải chịu sự điều hành giá định kỳ của liên bộ Công Thương - Tài chính. Do các loại xăng 'xịn' có giá cao hơn, doanh nghiệp kỳ vọng chiết khấu tốt hơn nên các cây xăng đều muốn bán các loại xăng này, "ép" người dân phải mua khi nhiều cây xăng không còn bán loại xăng phổ thông có giá rẻ hơn như xăng RON95-III, E5 RON92...
Cây xăng "cưỡng bức" người tiêu dùng
Bị ép đổ xăng 'xịn', bạn đọc Thuận kể nỗi ấm ức: "Tôi cũng thấy khó chịu, muốn đổ xăng trong Petrolimex để tránh xăng giả, an tâm không bị đong thiếu, nhưng họ lại bán và chỉ bán xăng RON 95-V giá cao hơn, đúng là bị ép".
Thành Nguyễn đặt ra câu hỏi về sự lựa chọn khó khăn của khách hàng: "Xăng "không phổ biến" thì bán, mà các cây xăng của Petrolimex đều không có xăng RON95-III?
Vậy thì sự lựa chọn của khách hàng ở đâu? Chỉ có thể mua ở ngoài hệ thống của Petrolimex. Trong khi đó tại Việt Nam thì các cây xăng của Petrolimex có phổ biến hay không hay là những cây xăng tư nhân phổ biến hơn?".
Bạn đọc Mai Phương bình luận cô đọng: "Đủ chiêu trò, người tiêu dùng lãnh đủ". Trong khi đó, bạn đọc Tăng Quốc Duy cũng có ý kiến ngắn ngọn: "Tìm mọi cách để móc túi người dân!".
Cùng quan điểm, Minh Phúc cho rằng xăng không thiếu, mà chỉ thiếu xăng phổ thông thôi, đây là một chiêu lách luật mới. Trong khi đó Nguyễn Dũng cũng nhận định: "Các anh lại chơi chiêu mới, thiệt hại vẫn thuộc khách hàng vì không có lựa chọn khác".
Bức xúc hơn, bạn đọc Nam SG chỉ rõ việc doanh nghiệp xăng dầu "chiếm lĩnh phần lớn thị trường nhưng không bán cái đa số người ta cần, ép sử dụng dịch vụ không bị kiểm soát như vậy là cưỡng bức".
Nhiều bạn đọc cho rằng việc các cây xăng ép người tiêu dùng đổ xăng 'xịn' là chuyện quá đáng, trái với nguyên tắc kinh tế thị trường. Người dân không có nhiều lựa chọn tiêu dùng, trong khi cây xăng lách luật để hưởng lợi bất hợp lý, vì mỗi lít xăng bán ra đã gồm phần tiền thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã chịu rồi.
"Rõ ràng kinh doanh xăng dầu nói rằng chất lượng cao nhưng người dùng chưa thấy lợi đâu, mà chịu phải mức giá cao hơn rất nhiều. Đây là kiểu lách luật tăng giá hợp lý. Mỗi lít xăng người tiêu dùng đã chịu thuế bảo vệ môi trường trong đó rồi, giờ bảo là khí thải môi trường tốt hơn mà giá cao nên người tiêu dùng phải chịu là quá đáng" - Hoài Anh viết.
Bởi theo như bạn đọc Rose Phuc, các xe đời cũ chỉ cần sử dụng xăng E5RON92 là được nhưng các cây xăng luôn nói hết loại xăng này, chỉ bán các loại xăng xịn. "Giờ mới biết như thế họ sẽ thu lợi nhiều hơn!" - Rose Phuc cho hay.
Ai kiểm tra xăng 'xịn'?
Giá xăng dầu trong một kỳ điều chỉnh tăng vào tháng 5-2022 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo bạn đọc có nick name Truungvuu75, dù sao cũng phải bán đủ các loại xăng để cho khách hàng lựa chọn, thế mới là kinh tế thị trường.
Trong tình hình cung ứng xăng dầu và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, bạn đọc cho rằng cây xăng chỉ muốn bán xăng 'xịn' là chưa phù hợp. Bạn đọc Tuấn Phùng viết: "Xăng 95 thông thường là ổn lắm rồi, bày vẽ lúc khó khăn này là không đúng thời điểm. Chắc gì xăng 'xịn' được xịn như tiêu chuẩn của nó".
Đồng quan điểm, không ít bạn đọc đặt ra vấn đề xăng 'xịn' có đúng với chất lượng xịn. Bạn đọc Luong đặt ra câu hỏi: "Nhiều khi treo đầu dê bán thịt chó cũng có, làm sao người vô đổ xăng biết được đó có phải là xăng RON95-V hay không?".
Tương tự, bạn đọc Nguyen cũng thắc mắc "xịn" hay không làm sao dân biết được ngoài việc phải trả thêm tiền chênh lệch không ít!
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Thăm dò ý kiến
Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc đưa các loại xăng cao cấp có giá cao hơn từ 1.130 - 3.040 đồng/lít so với giá cơ sở nhằm thay thế dần các loại xăng tiêu chuẩn khí thải thấp. Ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Ủng hộ
Không ủng hộ
Ý kiến khác