Cảng dầu Kozmino gần Nakhodka, Nga - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, EU đã thống nhất mức giá trần nêu trên sau khi nhận được sự ủng hộ của Ba Lan, mở đường cho việc chính thức thông qua giá trần đối với dầu Nga vào cuối tuần.
Trong tuyên bố mới nhất, G7 và Úc cho biết mức giá trần mới sẽ có hiệu lực vào ngày 5-12 hoặc rất sớm sau đó.
Các quốc gia này cho rằng bất kỳ sự sửa đổi nào về mức giá mới cũng sẽ đi kèm cơ cấu đảm bảo các giao dịch từ trước có thể hoàn tất trước khi áp dụng thay đổi.
"Liên minh giới hạn giá cũng có thể xem xét hành động tiếp theo để đảm bảo tính hiệu quả của việc giới hạn giá", G7 và Úc tuyên bố. Hiện chưa có thông tin chi tiết về những động thái tiếp theo của các nước này.
Mức giá trần đối với dầu mỏ là một ý tưởng của EU nhằm giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận EU áp lên dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5-12.
Warsaw ban đầu phản đối mức giá đề xuất. Ba Lan đã thúc đẩy các cuộc đàm phán của EU về mức trần càng thấp càng tốt để siết chặt doanh thu cho Nga, cũng như hạn chế khả năng tài trợ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Ngày 2-12, Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados thông báo quốc gia của ông đã ủng hộ thỏa thuận của EU, trong đó có cơ chế giữ trần giá dầu thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.
Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận này là chưa từng có và thể hiện quyết tâm của liên minh phản đối cuộc chiến của Nga.
Người phát ngôn của Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên EU, cho biết họ đã cung cấp thủ tục bằng văn bản cho tất cả 27 quốc gia EU để chính thức bật đèn xanh cho thỏa thuận này sau khi Ba Lan đồng ý.
Chi tiết về thỏa thuận sẽ được công bố trên tạp chí pháp lý của EU vào ngày 4-12.
Theo Hãng tin TASS, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Leonid Slutsky cho rằng EU đang đe dọa an ninh năng lượng của chính mình khi áp giá trần dầu Nga.
Ông Slutsky cũng khẳng định động thái này đã vi phạm luật thị trường.