Áo dài yêu thương về vùng sâu

2 năm trước 176
Áo dài yêu thương về vùng sâu - Ảnh 1.

Bộ sưu tập áo dài gắn với các tác phẩm văn học do Hội quán các bà mẹ thực hiện, được các bạn nhỏ yêu thích - Ảnh: THANH THÚY

Mong các em gìn giữ tà áo dài như một cách vun đắp thêm niềm tự hào về truyền thống dân tộc.

Chị NGUYỄN THỊ THANH THÚY

Cô Thạch Thị Kim Thuyên, Trường tiểu học Ngãi Xuyên A, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết nhờ chương trình, 34 em học sinh năm nay vô lớp 6 được nhận áo dài. 

"Các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ làm thuê làm mướn hoặc đi làm ăn xa, để có chiếc áo dài cho năm học mới khá khó khăn. Các em rất vui khi được tặng áo với chất liệu vải tốt", cô Kim Thuyên chia sẻ.

Tiết văn đặc biệt

Cô Đoàn Thị Liệp, giáo viên dạy văn của Trường tiểu học Ngãi Xuyên A, đã về hưu. Nhưng những năm qua, cô vẫn miệt mài vận động nguồn lực để tham gia chương trình tặng áo dài cho các nữ sinh vùng khó khăn của Hội quán các bà mẹ. 

Từ nhỏ cô đã mê áo dài. Khi làm giáo viên dạy văn, khi đến giờ giảng, cô mặc chiếc áo có vẽ họa tiết liên quan đến chi tiết đắt giá trong tác phẩm văn học mà cô giảng dạy cho các học trò vào hôm đó.

Để thực hiện điều này, sau khi mua vải, cô Liệp nhờ cô bạn vẽ giúp thông qua ý tưởng của cô. Nhờ những họa tiết trên tà áo dài mà bài giảng của cô được học trò thích thú, tiếp thu nhẹ nhàng. Cô luôn dành một tiết sinh hoạt đầu năm hướng dẫn nữ sinh cách mặc, bảo quản áo dài, cách ngồi, cách đi đứng sao cho duyên dáng.

Nay đã về hưu, cô ủng hộ chương trình của Hội quán các bà mẹ thực hiện bộ sưu tập áo dài thêu những họa tiết với hình minh họa cho tác phẩm văn học như Hoàng tử bé, Dế Mèn phiêu lưu ký... được các em mặc trong các dịp lễ tết, biểu diễn với tình yêu trân trọng cùng tà áo truyền thống Việt Nam.

Cô cho rằng lòng yêu nước, yêu văn hóa truyền thống dân tộc có thể được giáo dục bằng những điều bình dị.

Gian hàng áo dài mang tới niềm vui

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - đại diện Hội quán các bà mẹ - cho hay chương trình tặng áo dài cho nữ sinh được hội quán vận động và tự gây quỹ bằng cách bán áo dài trích lợi nhuận để mua vải may áo dài. Chương trình còn hỗ trợ các làng nghề như lụa Tân Châu, hỗ trợ các thợ may.

"Năm nay hơn 200 áo dài đã được chúng tôi gửi đến các em nữ sinh. Khi các em ướm thử chiếc áo dài chuẩn bị cho năm học mới, nhìn niềm vui trong ánh mắt các em là chúng tôi thấy vui lây. Mong các em gìn giữ tà áo dài như một cách vun đắp thêm niềm tự hào về truyền thống dân tộc", chị Thúy nói.

Gian hàng tặng áo dài trong chương trình "Tiếp sức đến trường" mới đây do nhóm Bếp Vui (TP.HCM) cùng các nhóm thiện nguyện thực hiện tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cũng được nhiều cô giáo là người dân tộc STiêng chọn lựa. 

Sau khi các cô ướm áo dài nào vừa vặn thì chương trình sẽ gói quà trao tặng một cách trân trọng. Với các cô không chọn được size áo thì nhóm tặng vải để các cô đi may.

"Mình sẽ không thể cảm nhận hết được sự thiếu thốn của các cô giáo nơi vùng sâu, để có tà áo dài mới dự khai trường hay lễ tết cũng khiến họ đắn đo vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. 

Bởi vậy mình đã đứng ra vận động các nhóm để có được hơn 600 bộ áo dài gửi lên Bình Phước tặng các cô giáo ở những điểm trường vùng sâu, vùng biên giới như một lời động viên các cô khởi đầu năm học mới nhiều yêu thương", chị Võ Huỳnh Minh Trí, người kết nối các nguồn lực, cho hay. 

Hiện chị đang tiếp tục cùng bạn bè vận động mọi người có thể góp áo dài trắng, áo dài nữ sinh cũ để nhóm tặng lại cho các em nữ sinh khó khăn ở các điểm trường vùng xa, vùng biên giới.

Các cô giáo ở vùng sâu tâm sự muốn có mấy tà áo dài để thay đổi khi lên lớp hoặc dự các chương trình lễ hội nhưng nhiều khi trong tủ cũng chỉ có một vài bộ.

Khi được tự chọn lựa màu áo cho mình tại gian hàng áo dài yêu thương, cô Điểu Thị Lan, giáo viên mầm non, nói: "Tôi rất thích mặc áo dài, vừa trang trọng vừa duyên dáng. Lần này tôi đã chọn được chiếc áo màu đỏ nên rất vui".

Bạn trẻ miệt mài với nét vẽ trên vải áo dàiBạn trẻ miệt mài với nét vẽ trên vải áo dài

TTO - Trên đường Công Trường Quốc Tế (Q.3, TP.HCM) có một lớp học dạy về sự tỉ mỉ với từng nét vẽ trên vải áo dài, bởi chỉ cần 'đi nét cọ nào là chết nét cọ đó'.

Nguồn bài viết