'Ánh sáng' của cha đưa con đến giảng đường

2 năm trước 167
Ánh sáng của cha đưa con đến giảng đường - Ảnh 1.

Hoàng Tuyết Nhi cùng góc học tập của mình tại ký túc xá - Ảnh: YẾN SANG

Cách đây 4 năm, ông Hoàng Kim Triều, nhà ở phường 5, TP Đông Hà (Quảng Trị) bỗng nghe nhói đau trên đỉnh đầu, rồi cơn đau sau đó nhanh chóng lan xuống mắt trái. Ông được đưa vào bệnh viện, kết quả xét nghiệm ông bị vỡ mạch máu ở mắt.

Con mắt này đã không còn nhìn thấy ánh sáng ngay sau đó không lâu. Bác sĩ nói nếu không tiêm một loại thuốc đặc hiệu theo đúng định kỳ, con mắt còn lại của ông cũng có nguy cơ mù. Hơn hai tháng trước, đến định kỳ phải tiêm thuốc để giữ con mắt còn lại nhưng cùng lúc đó con gái ông - Hoàng Tuyết Nhi - vừa nhận kết quả trúng tuyển đại học.

Ông hiểu đấy là ánh sáng cuối cùng của đời mình. Nhưng ông cũng hiểu sự học là ánh sáng của đời con. Và ông đã chọn nhường ánh sáng của đời mình cho con, chấp nhận rủi ro, đánh đu số phận với ánh sáng cuối cùng của mình.

Những tháng ngày phía trước chắc chắn còn rất dài. Để hoàn thành bốn năm đại học mình còn phải vượt qua rất nhiều thử thách nhưng mình sẽ cố gắng, nhất định nỗ lực hết sức và tin rằng mình sẽ có cách vượt qua...

Hoàng Tuyết Nhi

Nhường "ánh sáng" cho con

Có thể nhiều người sẽ khó hình dung nổi tại sao một gia đình cả hai vợ chồng mới ngoài 40 tuổi, sống ở TP Đông Hà mà không thể tích cóp, xoay xở nổi hơn chục triệu đồng vừa cho con nhập học, vừa tiêm thuốc cho người cha. Nhưng có đến ngôi nhà này mới thấy đó là điều bình thường.

Ngôi nhà lụp xụp, nằm sâu trong một con ngõ đất đỏ ở rìa thành phố. Đợt mưa cuối mùa khiến căn nhà nhìn càng thê thảm hơn. Mái tôn bị lỗ chỗ dột, nước nhỏ lênh láng xuống sàn. Bà Trương Thị Cẩm Ngọc Anh - mẹ Tuyết Nhi - nằm dài trên chiếc chiếu trải một góc gian nhà trước. Bên cạnh là chiếc máy thở đang được bà kéo một đầu dây với thiết bị trợ thở được úp chặt vào vùng miệng và mũi.

Bà đã bị hen suyễn gần hai chục năm nay. Vài năm gần đây còn phát hiện bị bướu basedow nặng nên cơn hen càng đến thường xuyên và có phần nặng hơn. Để phụ chồng nuôi con, bà thuê một sạp nhỏ bán rau tại chợ phường 5. Nhưng phần vì cơn hen đến bất chợt, phần vì phải định kỳ vào bệnh viện khám và điều trị bệnh bướu basedow nên mỗi tháng cũng chỉ ra chợ bán được mươi ngày.

Không có công việc gì ổn định, ông Triều cũng chỉ quanh quẩn làm thuê làm mướn, trở thành trụ cột gia đình trong ngôi nhà nghèo "thâm niên" ấy. Dù bốn năm nay chỉ còn một con mắt sáng, ông vẫn gắng hết sức, có khi cắt cỏ thuê, có hôm đi đốn cây để kiếm tiền nuôi cả nhà, đặc biệt lo cho hai đứa nhỏ đi học.

Hôm ra Hà Nội khám, bác sĩ cảnh báo nguy cơ mù tiếp con mắt còn lại nếu không tiêm định kỳ. Nhưng giá mỗi ống thuốc đặc trị dạng này lên đến mười mấy triệu đồng, ông Triều khi ấy thở hắt một hơi thật dài rồi bỏ viện quay về. Mãi cho đến năm ngoái, con mắt còn lại có diễn biến xấu, có dấu hiệu mờ dần, hai vợ chồng đành liều vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền để ông Triều vào Huế tiêm thuốc.

"Năm nay đã hỏi được mấy người khác cùng bệnh đi tiêm chung, cùng chia ống thuốc thì có đỡ tiền hơn nhưng đến định kỳ tiêm lại đúng lúc bé Nhi đậu đại học. Không đủ khả năng cùng lúc làm cả hai việc, anh Triều quyết định nhường số tiền ít ỏi dành tiêm thuốc ấy dồn cho con bé kịp nhập trường...", bà Ngọc Anh thở dài, bỏ lửng câu nói.

Ánh sáng của cha đưa con đến giảng đường - Ảnh 3.

Bà Ngọc Anh - mẹ Hoàng Tuyết Nhi - thường xuyên phải nhờ đến máy thở vì bị hen nặng và bướu basedow - Ảnh: QUỐC NAM

Niềm hy vọng của cả nhà

Dường như tai ương chưa bao giờ thôi bám riết lấy ngôi nhà nhỏ ấy. Hết bố bệnh, mẹ đau xong giờ đến lượt hai đứa con. Cả Nhi và cậu em trai đang học tiểu học cũng bị phát hiện mang bệnh bướu basedow như mẹ. Riêng Nhi hai năm qua đã phải đi khám và uống thuốc đều đặn mỗi ngày để hạn chế biến chuyển của bệnh.

Ngày Tuyết Nhi đi nhập trường, bà con nội ngoại gom góp lại cho em được 7 triệu đồng. Số tiền này tạm đủ để em đóng học phí một kỳ. Thương con, hai vợ chồng ông Triều mượn thêm được 1,2 triệu đồng cho con gái vào trường còn có cái ăn uống, sinh hoạt ban đầu. Nhi chọn ở ký túc xá, rủ thêm mấy người ở chung phòng cùng nấu cơm để phần nào đỡ chi phí. Mỗi ngày, bữa ăn trưa, tối của mỗi người chừng khoảng 7.000 đồng.

Nhi biết mình lớn lên trong một gia đình được "ưu ái" xét hộ nghèo từ hơn 10 năm qua nên bạn không ngại khổ. Mà từ hồi học phổ thông, cô bé đã quen với cái khổ rồi. Nhi từng tập tành buôn bán một số đồ dùng qua mạng để kiếm thêm chút tiền lo cho việc học của mình.

Ba năm học phổ thông, Nhi chưa một lần dám đi học thêm vì lấy đâu ra tiền mà học. Nhưng hơn ai hết, Nhi hiểu rõ mình đang là niềm hy vọng của cả nhà nên càng phải cố gắng học và thi đậu đại học. Biết cha chấp nhận bỏ luôn việc tiêm thuốc định kỳ để giữ ánh sáng cho con mắt còn lại dành ưu tiên cho Nhi đi học, bạn xem đó là động lực để mình phải tập trung học và học tốt nhất có thể.

"Những tháng ngày phía trước chắc chắn còn rất dài. Để hoàn thành bốn năm đại học mình còn phải vượt qua rất nhiều thử thách nhưng mình sẽ cố gắng, nhất định nỗ lực hết sức và tin rằng mình sẽ có cách vượt qua...", Nhi quyết tâm.

100 suất học bổng cho tân sinh viên khó khăn Quảng Trị

Tối nay (29-10), tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn, Đài phát thanh - truyền hình Quảng Trị trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Trị.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do Câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị" tài trợ, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền Quảng Trị hỗ trợ chi phí tổ chức và phát sóng chương trình. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam hỗ trợ quà tặng tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Lễ trao học bổng và giao lưu nghệ thuật "Quảng Trị tình quê" với sự góp mặt của ca sĩ từ TP.HCM sẽ được trực tiếp trên Đài phát thanh - truyền hình Quảng Trị lúc 20h10.

Ánh sáng của cha đưa con đến giảng đường - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ước mơ đi học để được làm đôi chân của mẹƯớc mơ đi học để được làm đôi chân của mẹ

TTO - Đến hạn nhập học, Trần Đức Thanh Nhuệ (Quảng Trị) gom hết cũng chỉ được gần 5 triệu đồng. Đó là số tiền tích cóp từ thúng xôi mỗi sáng của mẹ và cả của một số người quen biết cho để Nhuệ lận lưng đi học.

Nguồn bài viết