Sau khi điều chỉnh báo cáo tài chính, CTCP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức bị lỗ lũy kế ba năm liên tiếp, rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết - Ảnh: BÔNG MAI
Cổ phiếu HAG rớt giá, bầu Đức xin được thử thách để không bị hủy niêm yết
Khởi đầu phiên giao dịch hôm nay 28-1, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai rơi vào nhóm bị nhà đầu tư bán mạnh, hiện đang giảm hơn 5% xuống quanh giá 12.000 đồng.
Một diễn biến đáng chú ý là ngày 27-1, ông Võ Trường Sơn, tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, cho biết đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.
Căn cứ vào nghị định 155/2020 do Chính phủ ban hành, Hoàng Anh Gia Lai rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục.
Về việc này, doanh nghiệp cũng cho biết đã xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.
"Bởi hầu hết các cổ đông nắm giữ cổ phiếu HAG đều mua dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai, chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách 3 - 5 năm", phía doanh nghiệp của bầu Đức cho hay.
Về tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc, Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản...
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).
Dựa vào báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021, doanh nghiệp lãi 18 tỉ đồng và ước tính cả năm đạt trên 120 tỉ đồng.
Sang năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.120 tỉ đồng. Ngoài tăng cường tái cơ cấu tài chính, doanh nghiệp cũng tập trung trồng chuối và chăn nuôi heo.
Với kế hoạch trên, phía doanh nghiệp của bầu Đức kiến nghị cơ quan nhà nước: "Cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".
Án hủy niêm yết vẫn chực chờ Vietnam Airlines
Do dịch bệnh, chỉ có 50% nhân sự khối văn phòng làm việc nên Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) vừa xin gia hạn đến tháng 2-2022 mới công bố báo cáo tài chính quý 4-2021. Như vậy còn hơn 1 tháng nữa sẽ có kết quả Vietnam Airlines bị rơi vào trường hợp niêm yết hay không.
Bởi tính tới cuối quý 3-2021, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ ở mức 1.475 tỉ đồng. Nếu quý tiếp theo bị lỗ hơn 1.500 tỉ đồng thì rơi vào trường hợp hủy niêm yết (lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất).
Ngoài ra, nếu tiếp tục thua lỗ trong năm 2022 này, Vietnam Airlines cũng rơi vào cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc như Hoàng Anh Gia Lai đang gặp phải do lỗ 3 năm liền.
Tương tự doanh nghiệp của bầu Đức, hồi quý 3-2021, Vietnam Airlines cũng kiến nghị xem xét doanh nghiệp là trường hợp đặc biệt, được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên sau đó nhờ bán thành công gần 800 triệu cổ phiếu, thu về gần 8.000 tỉ đồng nên thoát âm vốn chủ.
Nhiều chuyên gia cho biết cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết, vì có thể tạo tiền lệ xấu, khiến tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ của thị trường chứng khoán Việt Nam không được đảm bảo.
Nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết do lỗ triền miên
Năm 2021 chứng kiến nhiều trường hợp đáng chú ý bị buộc hủy niêm yết, "khăn gói" rời sàn chứng khoán do liên tục làm ăn thua lỗ.
Điển hình như cổ phiếu ATG của Công ty cổ phần An Trường An bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do năm 2018 lỗ 11,8 tỉ đồng, sang năm 2019 lỗ hơn 12 tỉ đồng, hết năm 2020 cũng âm 12,9 tỉ đồng.
Hay sau 12 năm gắn bó, cổ phiếu của CTCP Sông Đà 7.04 (S74) cũng bị rớt khỏi sàn HNX - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - vì thua lỗ 3 năm liền. Năm 2020, 2019, 2018 doanh nghiệp này lỗ lần lượt 2,1 tỉ đồng, 2,9 tỉ đồng và 2,9 tỉ đồng.
Theo nhiều chuyên gia, đối với những cổ phiếu yếu kém bị buộc phải rời sàn, giá cổ phiếu thường bị tụt dốc khiến cổ đông nhỏ dễ bị chịu thiệt.