Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Chiều 25-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì họp trực tuyến với các bộ, địa phương liên quan về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh chưa từng có
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay tình trạng ùn tắc có xu hướng xuất hiện trở lại sau Tết. Tính đến 8h ngày 24-2, tổng số xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới là 3.728 xe. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero COVID", áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó, năng lực bốc dỡ phía Trung Quốc cũng có phần hạn chế do công nhân về quê ăn Tết, số lao động đã trở lại vẫn trong thời gian cách ly. Dù có khuyến cáo nhưng lượng xe chở hàng lên cửa khẩu vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Do đó, ông Khánh đề nghị các tỉnh bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe.
"Các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa", ông Khánh nói và cho biết quy trình này có thể cải thiện thông quan đáng kể.
Phó chủ tịch UBND Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết hiện vẫn ùn khoảng 1.700 xe, trong đó 70% là xe chở nông sản nên giải tỏa mất 15 ngày. Dù đã thông báo không đưa xe lên nhưng mỗi ngày vẫn có 50-70 xe đi lên Lạng Sơn, do Trung Quốc đang mùa đông nên có nhu cầu rất lớn.
Theo bà Hà, việc triển khai "vùng xanh", "vùng đệm" ở cửa khẩu vẫn chưa có quy định cụ thể để phù hợp với quy định của phía Trung Quốc, nhiều trường hợp "âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo chỉ số của Trung Quốc".
Do đó cần nghiên cứu, trao đổi, thống nhất với phía bạn về thực hiện công nhận 1 lần đối với kết quả xét nghiệm COVID-19 và khử khuẩn hàng hóa.
Trước mắt, Lạng Sơn đã thống nhất với phía bạn về thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa hạn chế tiếp xúc (cửa khẩu Tân Thanh có thể nâng lên 150 - 200 xe thông quan/ngày và có thể cao hơn nữa) áp dụng từ 26-2 tại cửa khẩu Tân Thanh và 1-3 với cửa khẩu Hữu Nghị.
Tuy vậy, bà Hà cho rằng xuất khẩu tiểu ngạch chưa có hợp đồng rõ ràng nên rủi ro. Cần thể chế bằng văn bản, có lộ trình chuyển sang chính ngạch, giúp thay đổi dần tập quán giao thương.
Lập tổ nghiên cứu chính sách, quy định rõ tiêu chuẩn xuất khẩu tiểu ngạch
Kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao kết quả đạt được, song các giải pháp chưa thực sự căn cơ, chưa khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc. Vì vậy, cùng với chủ động thông tin, hạn chế đưa phương tiện về cửa khẩu, đẩy nhanh tốc độ thông quan, thì cần nhanh chóng thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước.
"Bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe", Phó thủ tướng nói rõ.
Sau khi các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2. Đây là giải pháp được đánh giá phù hợp, có thể rút ngắn đáng kể thời gian thông quan so với hiện nay.
Về dài hạn, ông Thành giao các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, có quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện.
Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.