Áp lực từ công việc có thể tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch - Ảnh minh họa
“Mẹ mình hay bảo, con người chỉ thường nhìn lên thứ mình chưa có, rồi tự buồn mà quên mất việc nhìn ngang và nhìn xuống để biết điều mình đang có cũng là máu, nước mắt để đạt được”, Bảo Ngọc (23 tuổi, nhân viên hệ thống, làm công việc tự do) nhớ lại.
Hy sinh sức khỏe vì công việc
Làm theo lời khuyên “đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ”, nhiều bạn sẵn sàng thức đến 2 - 3h sáng, hoặc trễ hơn, mỗi khi công việc đến hạn nộp.
Phạm Minh Phát (26 tuổi, giáo viên âm nhạc) thường thức đêm soạn giáo án, dạy thử bài, nhất là những khi có khảo sát chất lượng tiết dạy học. Nhiều lúc bạn quên ăn, có việc thì chỉ uống cà phê để tỉnh táo, đến lúc đói thật sự rồi mới đi ăn.
“Mình từng khá liều mạng vì công việc. Hậu quả là có một lần đang dạy học, mình bị mệt, hạ đường huyết, xong tiết dạy là mình ngất xỉu”, bạn nói.
Bảo Ngọc rơi vào tình trạng làm nhiều công việc cùng một lúc, và từng thức trắng 3 ngày vì bị dồn bài, dẫn đến tình trạng sụt cân, căng thẳng kéo dài, thậm chí không cảm thấy đói.
Trịnh Phan Thùy Nhung (21 tuổi, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, ngụ tại Hà Nội) vì chủ quan nên từng thức đến 4h sáng để làm tiểu luận, dù trước đó bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ sẵn sàng hy sinh giấc ngủ hoặc chấp nhận dời việc đến đêm khuya vì không quản lý được thời gian.
Luôn so sánh mình với người khác
Đi học thì áp lực điểm số, ra trường thì áp lực về lương từ các bạn đồng lứa - Ảnh minh họa
Người trẻ bộc bạch, họ chưa thể chấp nhận những điều đang có và luôn tự ép bản thân trở nên hoàn hảo.
“Mình thường xuyên cập nhật tình hình của bạn bè xem họ đã làm được gì. Mình sợ sẽ bỏ lỡ nhiều thứ nếu không biết về thành công của người khác, dù biết chúng khiến mình áp lực”, N.L. (22 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) nói.
Vì học và làm việc trái ngành, Bảo Ngọc hay tự nghĩ mình không chuyên sâu, không có định hướng rõ ràng nên tất cả kỹ năng bản thân có không là gì cả, thậm chí không có giá trị.
“Áp lực nhất là sau các cuộc hội họp mà chúng bạn bàn về dự án lớn từ công ty, lương mấy số, chuyển từ chỗ “lớn” này sang chỗ “lớn” khác, mình thấy bản thân rất tệ”, Ngọc tâm sự.
Bảo Ngọc quan sát, sự tự ti và ám ảnh mà bạn và bạn trẻ xung quanh tự gây ra thường kéo dài và tổn thương hơn - Ảnh: NVCC
Thùy Nhung thường xuyên nghĩ rằng tại sao mình chưa giỏi bằng người khác và bị ruột kích (do stress gây ra) vì mông lung, không biết mình cần làm gì: “Mình phải tự mày mò, tự làm, thất bại, chán nản, lấy lại sức, rồi lại bắt đầu lại, mọi thứ như một vòng lặp”.
Đó là chưa nói đến việc họ luôn cố gắng làm hài lòng người khác và tự làm tổn thương đến cảm xúc của chính mình.
“Mình hay muốn làm những điều tốt đẹp cho đối phương, rồi mong họ nhận ra, và đối xử với mình như vậy. Suốt một thời gian như thế khiến mình ấm ức vì sao họ không hiểu”, Nhung tiết lộ.
Đang học cách “yêu lại bản thân từ đầu”
Làm công việc sáng tạo nội dung, Thùy Nhung tặng "phiếu bé ngoan" cho các bạn trên mạng xã hội vì đã tự thương lấy mình và truyền được nhiều năng lượng tích cực - Ảnh: Fanpage Thuần
Thùy Nhung đang học cách đối xử tốt với bản thân mình qua từng ngày, vì chuyện yêu bản thân không phải ngày một ngày hai.
Còn Bảo Ngọc, với sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, đã bắt đầu từ việc chấp nhận, hiểu được giá trị để tìm đến những việc phù hợp và cao nhất là tự hào về mình.
Vẫn quay cuồng với deadline, nhiều bạn đã sẵn sàng yêu bản thân hơn với những bước chung:
- Nghĩ về sự đáng yêu hoặc chọn một công việc mà bản thân thấy dễ chịu nhất để làm
- Học một điều mới mẻ, khám phá giới hạn để tránh bỏ rơi chính mình
- Đi du lịch một nơi xa, trải nghiệm văn hóa để ủng hộ chính bản thân mình.