Y tế tư nhân tích cực 'tham chiến' phòng, chống COVID-19

3 năm trước 352

Không ngoại lệ, hệ thống y tế tư nhân đã được vận động tham gia từ rất sớm với việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vaccine và giờ đây nhiều bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước vận động hệ thống y tế tư nhân vào cuộc trong cuộc chiến phòng, chống với dịch COVID-19.

Sẵn sàng "xung trận"

Chú thích ảnh Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện FV. Ảnh: TTXVN phát

Từ đầu tháng 6, khi số ca mắc bắt đầu tăng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiến lược tầm soát cộng đồng đã được Thành phố triển khai. Ngay lập tức, hệ thống y tế được kích hoạt đến các vùng nguy cơ để lấy mẫu cộng đồng. Giống như đội ngũ y bác sĩ thuộc hệ thống công lập, các đơn vị y tế tư nhân cũng được lệnh "tham chiến" lấy mẫu tầm soát.

Song song đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần thứ 4 và thứ 5 cũng được Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ đầu tháng 7 nhằm đạt mục tiêu sớm tăng độ bao phủ vaccine trong cộng đồng, trong đó y tế tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc. Từ đó đến nay, bên cạnh các đội tiêm chủng của bệnh viện công và trung tâm y tế quận/huyện, mỗi ngày hàng trăm đội tiêm chủng của các bệnh viện tư nhân đã khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ đi tiêm chủng vaccine cho người dân trong cộng đồng.

Ra quân với 10 đội tiêm chủng, trong hơn 1 tháng qua, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Mỹ Đức đã có mặt ở khắp nơi. Trung bình mỗi ngày,  các y, bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức tiêm vaccine cho hơn 1.500 người ở các điểm tiêm cộng đồng, tại bệnh viện, xa nhất là các xã thuộc huyện đảo Cần Giờ. "Dù việc tiêm chủng ở các địa bàn đặc thù như huyện Cần Giờ gặp nhiều khó khăn khi mất thời gian di chuyển nhiều, chúng tôi phải dậy từ rất sớm và về nhà rất muộn nhưng tinh thần của anh em vẫn rất hăng hái. Chỉ mong sao ngày càng có nhiều người được tiêm phòng vaccine để đại dịch sớm qua đi", bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Mỹ Đức chia sẻ.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp với các bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Tại đây, lãnh đạo các bệnh viện tư nhân đã bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng tham gia vào công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm "chia lửa" với hệ thống y tế công lập.

Dù là một bệnh viện còn khá non trẻ khi ra đời chưa lâu nhưng Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn là một trong những cái tên đầu tiên đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn cho biết, bệnh viện hiện có hơn 100 giường bệnh với khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng tham gia vào hệ thống điều trị COVID-19. "Chúng tôi sẽ dừng tất cả mọi hoạt động của bệnh viện để tập trung vào việc điều trị bệnh nhân COVID-19, cùng chung tay với Thành phố đẩy lùi dịch bệnh", ông Đặng Văn Thanh nói. 

Không đưa toàn bộ giường bệnh và nhân lực vào hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nhưng Bệnh viện FV lại kiến nghị được tham gia vào công tác tiêm chủng vaccine và sẵn sàng "tách đôi bệnh viện" để điều trị bệnh nhân COVID-19. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV khẳng định, FV đang triển khai tiêm chủng vaccine cho gần 5.000 công dân Pháp và thân nhân tại khu vực phía Nam, đồng thời tình nguyện tham gia tích cực vào chiến dịch tiêm chủng vaccine cho người dân Thành phố. Với nhân lực hiện có, Bệnh viện FV có thể tổ chức tiêm đến 10.000 mũi trong một ngày tại bệnh viện và các điểm tiêm di động. Bệnh viện đã sẵn sàng vận hành theo mô hình “bệnh viện tách đôi” để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Song song với hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân, Bệnh viện FV có khoảng 80 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 11 giường bệnh để điều trị bệnh nhân cần điều trị đặc biệt. Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng hoạt động theo mô hình “bệnh viện tách đôi” để tiếp nhận cùng lúc cả bệnh nhân mắc COVID-19 và bệnh nhân khác. "Nếu Thành phố có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng mở rộng quy mô tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19", bà Phạm Thị Thanh Mai cho hay.

Chung mục tiêu đẩy lùi COVID-19

Chú thích ảnhNhững bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ) đã chính thức tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên từ sáng 2/8. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào công tác tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm giảm tải cho hệ thống y tế công lập.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết, chỉ trong một tuần, bệnh viện đã gấp rút chuyển đổi công năng, tập trung mọi nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế để Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ sớm đi vào hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, chữa trị của người dân trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao.

Trong giai đoạn đầu, bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2. Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho người bệnh COVID-19 ở tầng thứ 3 theo mô hình tháp 5 tầng trong điều trị COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với những người bệnh COVID-19 cần điều trị ở cấp độ tầng 4 và 5, bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế Thành phố hỗ trợ công tác tư vấn, hội chẩn liên viện, đồng thời có cơ chế đặc biệt trong việc chuyển viện đối với những trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Tương tự, sau đó một ngày, Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại Bệnh viện Quốc tế City (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm) cũng chính thức đi vào hoạt động dưới sự vận hành của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Với chức năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng, chỉ trong vòng 36 giờ đồng hồ, Bệnh viện Đại học Y dược đã chuyển về đây các máy móc thiết bị hiện đại nhất gồm máy thở, bình oxy, máy lọc máu... Trước mắt, Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 đưa vào hoạt động từ 50-70 giường bệnh và sẵn sàng nâng lên 200 và 500 giường bệnh khi có yêu cầu.

Cùng với hai đơn vị y tế tư nhân đầu tiên, những ngày đầu tháng 8, một bệnh viện dã chiến quy mô gần 200 giường bệnh cũng được Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi) gấp rút xây dựng để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, đơn vị này sẽ xây dựng một bệnh viện dã chiến tách rời hẳn với hệ thống điều trị hiện hữu. Dự kiến đến giữa tháng 8, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á sẽ tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. "Khuôn viên bệnh viện Xuyên Á có mặt bằng rộng lớn, nguồn nhân lực, vật lực của bệnh viện cũng đủ khả năng để xây dựng một khu vực dã chiến riêng phục vụ điều trị COVID-19. Đây là lúc chúng tôi cùng chung tay "chia lửa" với hệ thống y tế của Thành phố", bác sĩ Châu chia sẻ.

Đánh giá cao hệ thống y tế tư nhân trong việc sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vui mừng khi các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân thông báo nhiều đơn vị đã chủ động lên phương án "tách đôi bệnh viện" để bảo đảm vừa chăm sức khỏe nhân dân, vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

“Tôi rất mong các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân hãy đăng ký chính thức với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh số giường dành cho chăm sóc sức khỏe thông thường và số giường dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Có thể, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân cũng đang có những khó khăn, tuy nhiên sự chung tay, góp sức của các vị sẽ giúp cho nhiều người bệnh COVID-19 được điều trị hồi sức. Trên cơ sở số giường đăng ký của khu vực y tế tư nhân, Thành phố sẽ có được mạng lưới tổng thể số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 và sẽ điều phối bệnh nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 chắc chắn vẫn còn dài và hơn lúc nào hết, đội ngũ y, bác sĩ không phân biệt công hay tư đều phải có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi "Tôi rất thiết tha đề nghị các vị lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 để Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn rất khó khăn này”.

Nguồn bài viết