Giá nhiều mặt hàng thực phẩm neo cao, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh - Ảnh: N.TRÍ
Trong công văn vừa được gửi đến các sở ngành và địa phương về việc triển khai các giải pháp quản lý điều hành giá các tháng cuối năm 2022, UBND TP.HCM yêu cầu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo các trường hợp tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá.
Theo đó, Sở Tài chính được giao theo dõi diễn biến giá thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành. Sở Công thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; chủ trì thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm.
Sở Kế hoạch và đầu tư tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa. Sở Giao thông vận tải tăng cường rà soát kê khai giá của doanh nghiệp; giám sát việc chấp hành niêm yết giá và thu vé đúng giá đối với đơn vị vận tải.
Cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý...
Theo ghi nhận của chúng tôi, dù giá xăng dầu đã giảm hơn 22% so với mức đỉnh vào tháng 6-2022 nhưng giá bán của nhiều loại hàng hóa tại TP.HCM vẫn đang neo cao, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm như dầu ăn, trứng gia cầm, thịt gà... cũng như giá bán của hàng cơm, phở, hủ tiếu...
Giải thích việc găm giá này, nhiều doanh nghiệp lấy lý do giá nguyên vật liệu còn neo cao và việc điều chỉnh giá hàng hóa cần có độ trễ nhất định so với diễn biến giá xăng dầu.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp người bán cố tình găm giữ giá bất hợp lý do giá xăng dầu đã giảm mạnh.