Khách hàng giao dịch tại SCB trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM vào sáng 8-10 - Ảnh: T.T.D
Buổi họp báo diễn ra tại Trung tâm báo chí TP.HCM với sự chủ trì của ông Võ Minh Tuấn - giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB
Tại buổi họp báo, ông Hoàng Minh Hoàn, phó tổng giám đốc điều hành SCB, cho biết tính đến ngày 30-9-2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn điều lệ.
Trong số 4.125 cổ đông trong nước có 11 cổ đông tổ chức, chiếm 15,7% vốn điều lệ; các cổ đông còn lại nắm 56,1% vốn điều lệ.
SCB đã lên phương án tăng cường lượng tồn quỹ tại các chi nhánh, tăng lượng tiền gửi tại NH Nhà nước để đảm bảo nhu cầu thanh toán liên NH.
"SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó việc này không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB", ông Hoàn khẳng định.
Ông Hoàn thừa nhận những ngày gần đây, khi có thông tin liên quan Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, khách hàng đến các chi nhánh của SCB rất đông và rút số tiền lớn không báo trước. Theo ông Hoàn, NH đã có phương án tăng cường nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách.
"NH Nhà nước đã hỗ trợ rất sát sao cho SCB. Mọi diễn biến, số liệu liên quan đến hoạt động của SCB thì NH Nhà nước nắm rất sát và chúng tôi cùng làm việc thường xuyên, liên tục. Chúng tôi xin khẳng định thanh khoản NH đang được giữ ổn định. SCB đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đúng theo quy định pháp luật", ông Hoàn nói.
Người gửi tiền không nên rút trước hạn
Về phía cơ quan quản lý, ông Võ Minh Tuấn, giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, khẳng định hiện nay SCB đang hoạt động bình thường, ổn định và có những giải pháp để đảm bảo hoạt động liên tục của NH này.
"NH Nhà nước có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong thời gian tới. Trong đó NH Nhà nước và SCB sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của khách hàng", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn đề nghị người dân không nên hoang mang, dẫn đến việc rút trước hạn tiền gửi, vì quyền lợi của chính người gửi tiền.
"Nếu rút trước hạn, người gửi tiền chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn từ 0,1 - 02%/năm, còn nếu duy trì cho đến khi đáo hạn thì được hưởng lãi suất 7 - 8%/năm. Do vậy người dân không nên hoang mang, lo lắng, rút tiền trước hạn do những thông tin không chính thống, hoặc thấy người khác xếp hàng ta cũng lo lắng xếp hàng. Người gửi tiền cần bình tĩnh, cân nhắc vì đó là quyền lợi của bản thân người gửi tiền", ông Tuấn khuyến cáo.
Không chỉ người gửi tiền tại SCB mà nhiều người đã mua trái phiếu của các công ty có liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông những ngày qua cũng rất lo lắng. Liệu những người này phải làm gì, quyền lợi có được đảm bảo không, muốn rút thì sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Võ Minh Tuấn cho biết trái phiếu là do một công ty có nhu cầu vay phát hành để vay tiền từ nhà đầu tư. Việc phát hành trái phiếu theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính.
Những công ty phát hành trái phiếu có nghĩa vụ trả tiền vào ngày đáo hạn cho các trái chủ (người mua trái phiếu). Khi chưa đáo hạn mà xảy ra sự cố thì phải căn cứ vào quy định trong hợp đồng ký với tổ chức phát hành trái phiếu ở từng lần phát hành để xử lý.
"Khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm thì NH là nơi huy động tiền của dân để kinh doanh tiền tệ. Hoạt động này được cấp phép của NH Nhà nước. Tiền gửi của người dân là tài sản cá nhân và được đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp. Còn người mua trái phiếu thì người có trách nhiệm trả tiền đầu tư là công ty phát hành trái phiếu đã huy động tiền của người dân", ông Tuấn nói.
Chấn chỉnh cạnh tranh không lành mạnh
Những ngày gần đây, khi người gửi tiền tại SCB hoang mang rút trước hạn thì cũng xuất hiện việc nhiều NH khác tung nhân viên đến tận các chi nhánh của SCB để phát tờ rơi và hướng dẫn người dân đến gửi tiền tại NH mình.
Có NH chỉ đạo toàn hệ thống làm việc cả ngày thứ bảy để "đón" nguồn tiền này, thậm chí có NH còn mở cửa đến tối thứ bảy để tranh thủ dù đây là ngày nghỉ.
Về việc này, ông Võ Minh Tuấn cho biết NH Nhà nước đã có chỉ đạo các NH phải cạnh tranh sòng phẳng, theo cơ chế thị trường, không được cạnh tranh thiếu bình đẳng, không đúng quy định. Phó thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết NH Nhà nước đã có công điện gửi các NH thương mại trên hệ thống chấn chỉnh tình trạng này.
"NH Nhà nước cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp lôi kéo khách hàng của SCB sang gửi tiền ở NH khác", ông Tú khẳng định.
Trong khi đó, chiều 8-10 NH thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã phát đi thông báo "về tên gọi của NH". Trên fanpage của mình, Sacombank cho hay hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin liên quan đến NH thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Do nhiều người nhầm lẫn về cách đọc nên tưởng SCB là Sacombank.
"SCB và Sacombank là hai NH khác nhau. Sacombank là NH Sài Gòn Thương Tín, mã chứng khoán là STB", Sacombank thông tin.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hoạt động bình thường
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty An Đông và các tổ chức, đơn vị là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành hoạt động bình thường và cho biết cả Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững.