Xắn tay giải quyết bất thường ở ngành y

2 năm trước 170

Sự bất thường đó không là chuyện riêng của ngành y tế mà là của xã hội khi nó có mức độ ảnh hưởng đến người bệnh ngày càng lan rộng. Ngày càng có nhiều lời kêu ca, ta thán từ nhân viên y tế và người bệnh, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết ngay.

Sau phản ánh của báo chí về tình trạng thiếu thuốc, máy móc điều trị bị "trùm mền"..., Bộ Y tế đã thông tin chính thức về thực trạng đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. 

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm ở một số địa phương và đơn vị.

Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu (thay vì đấu thầu tập trung như trước) vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại khi làm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công. Từ đó, Bộ Y tế nêu ra hàng loạt giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Tuy vậy, những giải pháp Bộ Y tế đưa ra cũng chỉ là tạm thời chứ chưa đủ cứng, vững để thuyết phục "cán bộ y tế hết sợ sai, doanh nghiệp cung ứng hết e ngại". 

Thực tế, trong số các nguyên nhân Bộ Y tế đưa ra, nổi bật và dễ dàng thấy nhất là cơ sở y tế và doanh nghiệp cung ứng đang sợ vì trong thủ tục đấu thầu, cơ chế, chính sách về giá, thủ tục thanh toán... còn nhiều điểm chưa hợp lý, phức tạp, khó khăn. 

Không gỡ bỏ những nỗi sợ hãi này thì dù Bộ Y tế có "lệnh" thủ trưởng các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật cũng khó lòng phá băng thực trạng "sợ, thiếu" hiện nay. 

Điều càng phức tạp hơn là không chỉ đả thông tư tưởng "sợ" trong ngành y mà cả các doanh nghiệp cung ứng vật tư y tế. Gỡ khó cho nội bộ ngành chưa xong, sao có thể trấn an cả doanh nghiệp ngoài ngành. Vì thế cần phải xem sự bất thường ở ngành y là vấn đề quốc gia, để tất cả các bộ ngành, Chính phủ, Quốc hội cùng tham gia tháo gỡ.

Trước bất thường của ngành y đang ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh, đây là lúc Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để vào cuộc làm rõ thực chất thực trạng hiện nay là gì? 

Gốc rễ vấn đề nằm ở đâu? Tại sao có luật mà vẫn sợ sai? Giải pháp tháo gỡ là gì?... 

Ngay cả Ủy ban Tài chính, ngân sách với nhiệm vụ giám sát các vấn đề tài chính, ngân sách cũng cần vào cuộc để làm rõ các vướng mắc về đấu thầu, thanh toán, giá cả thuốc men... 

Có vào cuộc mới có góc nhìn toàn diện để báo cáo tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu Quốc hội không họp) để có những quyết sách căn cơ, gốc rễ đưa y tế ra khỏi "khủng hoảng".

Mọi bất thường đều cần có biện pháp quyết liệt để kịp thời dập tắt, tránh hiểm họa về sau. Cuộc "khủng hoảng" về y tế càng cần những biện pháp cấp bách, quyết liệt, đồng bộ ở tầm mức quốc gia bởi nó liên quan đến sinh mạng con người.

Robot, máy xịn ở bệnh viện công đâu rồi!Robot, máy xịn ở bệnh viện công đâu rồi!

TTO - Ngành y tế hiện được xem là đang gặp khó khăn lớn về điều hành khi hàng loạt cán bộ cấp lãnh đạo vướng vòng lao lý. Tình trạng đó còn khiến cho việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men gần như "đóng băng".

Nguồn bài viết