Trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, thành phố đã quan tâm đầu tư, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia phát triển lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 2 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo. Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục ổn định. Các vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm, được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời, hạn chế điểm nóng vi phạm về di tích. Toàn ngành đã tu bổ, tôn tạo 179 di tích, tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó gần 468 tỷ đồng là kinh phí xã hội hóa. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả việc cưới, việc tang văn minh, an toàn, tiết kiệm.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương, thời gian tới, ngành tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Theo đó, tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; gắn kết phát triển văn hóa và du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, đặc trưng của Thủ đô. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện dự án trưng bày để Bảo tàng Hà Nội trở thành nơi hội tụ, lưu giữ những tinh hoa, đặc trưng của Thủ đô. Bên cạnh đó xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ngành văn hóa và thể thao Hà Nội sẽ đa dạng nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngành văn hóa và thể thao đã huy động được các nguồn lực xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân liên quan tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ông Lê Xuân Kiêu mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm đến công nghệ trong bảo tồn di tích, xây dựng cơ sở dữ liệu di sản cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội để phục vụ nghiên cứu, giáo dục, quản lý nhà nước và bảo tồn, phát huy giá trị di tích...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đề nghị thành phố tiếp tục rà soát, tu bổ di tích, danh thắng bởi trên thực tế, thời gian qua Hà Nội đã làm tốt công tác này nhưng với tiềm năng lợi thế của Thủ đô, thành phố cần tiếp tục quan tâm để nâng giá trị hệ thống di tích, danh thắng, qua đó nâng cao giá trị di sản văn hóa Thăng Long với cả nước. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch khi kiểm soát được dịch bệnh.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là trung tâm, nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội, thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo thì yếu tố văn hóa càng đóng vai trò quan trọng.
Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là nhằm giúp lãnh đạo thành phố có thêm luận cứ thực tiễn để xây dựng, ban hành Chương trình số 06 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… một cách thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, buổi làm việc cũng là để ngành văn hóa và thể thao Thủ đô xác định rõ vai trò của mình trong quá trình phát triển.
Cơ bản đồng tình với các đánh giá về kết quả của ngành văn hóa và thể thao trong năm qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu ngành tập trung phân tích kỹ hạn chế yếu kém, nhất là công tác quản lý nhà nước với ngành văn hóa và thể thao, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố… Từ đó tập trung tháo gỡ để tạo nên chuyển biến mới trong năm 2021. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần bám sát các quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết của Đảng, của Thành ủy để có quyết sách thực hiện tốt nhiệm vụ, quan tâm tới thể chế, chính sách, quy chế hoạt động.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đã yêu cầu rà soát các quỹ đất cho công viên, cây xanh… để cải tạo, bố trí dụng cụ thể dục - thể thao cho người dân. Cùng với đó, thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng hơn 280 nhà văn hóa thôn, mỗi nhà 3 tỷ đồng. Do vậy, các quận, huyện, đơn vị cần tập trung huy động nguồn lực, phối hợp cùng thành phố hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu trên; đồng thời, tăng cường huy động xã hội hóa trong việc cải tạo, vận hành các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu ngành văn hóa và thể thao có chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.