Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin

7 tháng trước 67
Chú thích ảnhTrung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn yêu cầu các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát và triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, ưu tiên các giải pháp giám sát, cảnh báo sớm. Trước 15/4/2024, các đơn vị hoàn thành thực hiện kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý. Trong trường hợp phát hiện các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu, đơn vị lập tức triển khai các biện pháp khắc phục, đặc biệt là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân.

Triển khai các nhiệm vụ liên quan theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, các đơn vị tiến hành rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ nhằm đảo đảm 100% hệ thống thông tin đang vận hành phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin chậm nhất trong tháng 9/2024. Triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất trong tháng 12/2024.

Các đơn vị tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp nhằm nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc làm chủ công nghệ.

Để tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống, dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu và báo cáo sự cố về Cục An toàn thông tin theo quy định; tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các đơn vị rà soát, triển khai các nhiệm vụ liên quan theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam; thực hiện định kỳ săn lùng mối nguy hại để phát hiện kịp thời các dấu hiệu hệ thống bị xâm nhập. Đối với hệ thống đã phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, sau khi khắc phục lỗ hổng, cần thực hiện ngay việc săn lùng mối nguy hại nhằm xác định khả năng bị xâm nhập trước đó.

Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin và các cơ quan, tổ chức liên quan, các đơn vị kiểm tra, cập nhật các bản vá an toàn thông tin cho các hệ thống quan trọng; thường xuyên, liên tục sử dụng các Nền tảng về an toàn thông tin do Cục An toàn thông tin phát triển, cung cấp để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như: nền tảng Điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (IRLab) để được hướng dẫn, nhận các cảnh báo sớm và hỗ trợ xử lý sớm nguy cơ, sự cố; nền tảng Hỗ trợ điều tra số (DFLab) trong trường hợp phù hợp để tổ chức ứng cứu sự cố và được sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, các chuyên gia đầu ngành về an toàn thông tin.

Nguồn bài viết