Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước

3 năm trước 447
Chú thích ảnhAo nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu).

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24/5/2017 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, với quy mô 418,91 ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi để đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Từ đó, thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn... của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tỉnh Bạc Liêu cũng phê duyệt thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước". Mục tiêu của đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực; trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến và là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng.

Tỉnh Bạc Liêu sẽ là nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm và các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.

Nhờ tác động tích cực của đề án "xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước", trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản với quy mô lớn, mỗi năm sản xuất từ 32 - 35 tỷ post tôm sú và tôm thẻ giống.

Diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh Bạc Liêu là hơn 136.000 ha; trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hơn 2.200 ha. Hiện tỉnh có 18 công ty, đơn vị, với diện tích hơn 1.500 ha đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh những tác động tích cực từ đề án mang lại thì vẫn còn những bất cập như kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông, thủy lợi,... chưa đáp ứng yêu cầu; việc sản xuất thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là thời điểm mùa khô, hạn, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó là chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nuôi tôm từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững.

Cũng theo Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2020, đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, Trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 tại Khu còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, đã thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2. Đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này, trong đó 5 dự án về quy trình, công nghệ nuôi tôm; 2 dự án sản xuất giống tôm; 1 dự án chế phẩm sinh học và 1 dự án thức ăn tôm.

Theo bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu nên làm tham mưu tốt hơn cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt hơn đề án này. Tập đoàn Việt-Úc khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; sớm xuất khẩu được tôm nguyên con sang Australia. Hai vấn đề này góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án.

Liên quan đến việc chỉ đạo các đơn vị trong việc đẩy nhanh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án "xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước", ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cần sớm tháo gỡ những khó khăn để xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, bởi, khi khu này xây dựng hoàn thành mới góp phần thực hiện được đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu kết hợp chặt chẽ với Tập đoàn Việt - Úc đưa con giống chất lượng đến người nuôi tôm, không để người dân mua con giống trôi nổi, kém chất lượng. Các đơn vị liên quan của tỉnh cũng phải rà soát lại những gì làm được, những gì chưa làm được trong việc thực hiện đề án "xây dựng Bạc Liêu trở thành ngành công nghiệp tôm của cả nước" nói riêng và các dự án khác nói chung, nhiều dự án còn rất chậm, nhất là công tác phối hợp chưa chặt chẽ.

Về Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, Ban quản lý khu này phải thực hiện đúng tiến độ dự án và các bước tiếp theo, những gì còn thiếu phải sớm bổ sung. Các sở, ngành của tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Nguồn bài viết