Nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua bán cổ phiếu theo sóng của nhiều nhóm chat - Ảnh: BÔNG MAI
Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chỉ riêng năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới tới 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, nhiều hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước cộng lại.
Bên cạnh những nhà đầu tư có nền tảng tài chính bài bản, không ít nhà đầu tư non trẻ bị "sập bẫy" do mua cổ phiếu theo lời của các "thầy" trong nhóm chat rồi bị thua lỗ đậm.
Mua cổ phiếu theo lời "thầy" trong nhóm chat
"Dư bán sàn kìa, bắt đáy HQC nhanh, mọi người ơi" - chị N. thúc giục hàng trăm thành viên trong nhóm Zalo mua cổ phiếu của Công ty CP tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc H. Nhận tin kêu gọi mua cổ phiếu H., một nhà đầu tư khác bày tỏ phân vân và hỏi: "H. có quỹ đất gì không mọi người?". Ngay lập tức đã được người trong nhóm này trả lời: "Bây giờ quỹ hay không quỹ cũng vậy. Chứng khoán Việt Nam mua hùa theo nhau thôi".
Thời gian gần đây, hàng loạt nhóm chuyên "phím hàng" công khai, xúi giục mua bán cổ phiếu cũng mọc ra nhan nhản trên các nhóm Facebook. Trong đó xuất hiện các bài viết được đặt tiêu đề đầy hoa mỹ nhằm thu hút mọi người mua cổ phiếu, như "S. - cổ phiếu siêu giá trị, siêu tăng trưởng" nhằm khuyến nghị mua cổ phiếu của Công ty CP đầu tư S., "I. - cổ phiếu đang tạo nền giá khá tốt, anh chị em tham khảo mua mới nhé" hay thông tin "Siêu cổ phiếu công nghệ của Việt Nam lộ diện?"...
Các nhóm chuyên "phím hàng" cũng mở kênh YouTube, TikTok... riêng để đăng video và thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Trên nền tảng Zalo, nhiều nhóm "phím hàng" có tên gọi như "Chinh phục chứng khoán", "Room trải nghiệm", "Cổ phiếu hot trend"... thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Có nhiều nhóm sắp vượt giới hạn 1.000 thành viên nên phải lập thêm nhóm mới và đánh số thứ tự 1, 2, 3... Nhiều nhóm còn mời chào đóng phí dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng trở lên để được cho vào các nhóm cao cấp thuộc hạng V.I.P hay Premium, hứa hẹn được tư vấn những cổ phiếu tốt với tỉ suất sinh lời hấp dẫn.
Chẳng hạn, một nhà đầu tư tên A7 - người được nhiều nhà đầu tư cung kính gọi là "thầy" hay "cao thủ trên thị trường chứng khoán Việt Nam" - thường xuyên khuyến nghị nhà đầu tư mua một số loại cổ phiếu. Tuy nhiên, với mã C., Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cảnh báo: "Thị giá cổ phiếu vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp, bị thổi phồng bởi dòng tiền đầu cơ".
SBS dẫn chứng lũy kế ba quý đầu năm 2021 (dữ liệu mới nhất), doanh thu của Tập đoàn C giảm tới 40,5% xuống còn 406 tỉ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, tập đoàn này bị lỗ sau thuế 224 tỉ sau ba quý, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với tình hình kinh doanh bết bát trên, thị giá của cổ phiếu C. liên tục tăng mạnh trước khi quay đầu giảm sàn và mất thanh khoản. Đến phiên 20-1, cổ phiếu này đảo chiều tăng trần lên 57.000 đồng nhưng vẫn giảm hơn 38% so với đỉnh.
Suy sụp vì trót hùa mua "hàng phím"
Từng hưng phấn vì mua cổ phiếu FLC ở đỉnh 22.550 đồng/cổ phiếu và nghĩ rằng chẳng mấy chốc sẽ tăng lên 40.000 đồng, nhưng sau đó anh H. (nhà đầu tư) suy sụp khi hay tin ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu FLC.
Trong khi hơn 20.000 tài khoản mua của ông Quyết được hủy lệnh và hoàn tiền, anh H. không may mắn rơi vào nhóm này. Chốt phiên 20-1, mã FLC giảm sàn xuống 12.100 đồng/cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu khác "họ FLC" cũng đang bị nhà đầu tư bán mạnh. Điển hình như mã ROS (Xây dựng FLC Faros) gây chú ý khi từ mức giá khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021, sau đó cũng lập đỉnh 16.000 đồng (7-1-2022).
Sau vụ "bán chui", chốt phiên 20-1, cổ phiếu này "cắm đầu" còn 8.460 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 47% kể từ đỉnh. Ở thời kỳ hoàng kim, ROS từng lập đỉnh lịch sử (3-11-2017) với mức giá 214.100 đồng/cổ phiếu, liên tục nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn thị trường chứng khoán.
Một bài học nhãn tiền mà nhiều nhà đầu tư khó quên là cú "lên đồng" tăng phi mã của cổ phiếu "họ Louis", sau đó giảm sốc. Cụ thể, từ một mã chứng khoán bị "ghẻ lạnh" có lúc thị giá chưa tới 1.000 đồng/cổ phiếu, mã TTG (Louis Capital, tiền thân là Đầu tư và xây dựng Trường Giang) đã được kéo tăng trần liên tục sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holding thâu tóm. Đỉnh điểm là mã này trở thành "siêu cổ" đạt 74.800 đồng/cổ phiếu (22-9-2021).
Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó bị mất thanh khoản, nhà đầu tư bị "nhốt hàng" bán không ai mua. Đến nay, mã này chỉ còn 11.250 đồng/cổ phiếu, những nhà đầu tư "đu đỉnh" đã bị lỗ hơn 98%. Các mã thuộc "họ Louis" như BII (Louis Land), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), TDH (Thu Duc House), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh)... cũng không mấy khả quan.
Nhiều tin đồn thất thiệt
- Ngày 19-1-2022: Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra thông báo phủ định về việc ông Lê Hải Trà - tổng giám đốc HoSE - đã bị cơ quan công an bắt vào 18h ngày 18-1 bị lan truyền trên nền tảng mạng xã hội. "Thông tin trên đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý công chúng đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của HoSE", HoSE cho hay.
Theo HoSE, trong nhóm chat quy tụ các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu CII (Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) - cổ phiếu liên tục bị giảm giá sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc, một tài khoản tên Mèo Lười đã loan tin đồn: "Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà đã bị bắt 6h tối nay (18-1). Dự là mai toang đấy các bác ạ. Chồng em ở bên VPS vừa bảo vậy". Những thông tin này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
- Trước đó, tháng 8-2021: Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Anh Minh (sinh năm 1977, Hà Nội) 15 triệu đồng. Cụ thể, ngày 6-7-2021, ông Minh đã sử dụng tài khoản Zalo để tung công văn giả mạo HoSE trong nhóm Zalo "Room SSI - Cổ phiếu".
Công văn giả mạo phao tin rằng trong phiên giao dịch ATC (mua bán trên giá đóng cửa) ngày 6-6 đã xảy ra tình trạng bị lỗi khi xử lý lệnh ATC với hệ thống mới của FPT trên HoSE. "Chúng tôi thành thật xin lỗi quý nhà đầu tư vì đã để xảy ra tình trạng này... Chúng tôi sẽ ra sức khắc phục sự cố và thông báo đến quý nhà đầu tư sớm nhất có thể" - văn bản giả mạo với chữ ký của ông Trà và con dấu như thật.