Bộ Công Thương họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 - Ảnh: BCT
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương diễn ra chiều 26-12.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, dù tình hình thế giới có nhiều biến động nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu là một điểm nhấn.
Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỉ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Thặng dư thương mại đạt gần 11 tỉ USD.
Trong kết quả xuất siêu 11 tỉ USD của ngành công thương, đã có tới 10 tỉ USD là từ ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù đạt mức kim ngạch tăng cao nhưng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đến nay, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu của ta.
Đáng chú ý, tính riêng 11 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã khởi xướng mới 10 vụ việc điều tra phòng vệ, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ấn Độ, Úc, Mexico khởi xướng 3 vụ việc điều tra chống bán phá giá và Ấn Độ, Morocco cũng khởi xướng điều tra 2 vụ việc tự vệ.
Trong khi đó, tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại bắt đầu từ quý 4, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh gia tăng. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá không tăng khiến một số hàng xuất khẩu giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn, chiếm 74%.
Nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Minh Vũ - thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao - cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu là thành tựu của nhiều FTA đã ký. Song ông đồng tình với nhận định của Bộ Công Thương khi cho rằng tình hình phức tạp hơn.
Nhìn nhận từ ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết dù kim ngạch của ngành đạt 27 tỉ USD, tăng trưởng 30%, nhưng từ quý 4 các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU đã có những biến động tình hình do tồn kho khá lớn.