Ông Nguyễn Gia Liêm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Năm 2022, dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, Cục Quản lý lao động ngoài nước tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để thực hiện kế hoạch đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài.
* Thưa ông, nhu cầu đưa lao động đi nước ngoài làm việc sắp tới ra sao?
- Chúng ta tập trung đưa người lao động đi làm việc ở thị trường quen thuộc như khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với khoảng trên 90% chỉ tiêu, còn lại là thị trường Trung Đông, Đông Âu.
Với thị trường như châu Phi, một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam là Algeria, Djibouti. Nếu người lao động có trình độ như lao động trình độ cao trong lĩnh vực xây dựng thì thu nhập dao động từ 600 - 1.200 USD. Công việc chủ yếu là hoàn thiện nhà, nội thất...
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các nước thay đổi chính sách thích ứng với phục hồi phát triển kinh tế nên nhận thêm nhiều người lao động. Như vậy, các doanh nghiệp tiếp tục khai thác, triển khai hợp đồng đã ký cũng như hợp đồng trong thời gian tới, tập trung thị trường Đông Bắc Á, Đông Âu...
Các nước này cần lao động nước ngoài lớn do ảnh hưởng của già hóa dân số, nhu cầu tăng cao doanh nghiệp của nước sở tại tập trung ở lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, nông nghiệp.
Qua thống kê 4 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 14.489 lao động (5.505 lao động nữ). Trong đó nhiều nhất là Nhật Bản với 8.848 lao động (4.314 lao động nữ), tiếp đó là Đài Loan là 3.729 lao động (1.054 lao động nữ), Hàn Quốc 512 lao động (13 lao động nữ), Singapore 384 lao động nam, Trung Quốc là 306 lao động nam...
* Nhiều người lao động, nhất là bạn trẻ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập, ông có lời khuyên gì cho họ?
- Theo luật mới về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta khuyến khích đưa lao động có trình độ, tay nghề đi sang các nước không chỉ giải quyết việc làm, thu nhập mà còn nâng cao trình độ kỹ năng, kiến thức kỹ thuật tiên tiến, thiết bị máy móc.
Vì vậy, các bạn trẻ Việt Nam cần chú ý những ngành nghề nước ngoài đang thiếu, chẳng hạn trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp cung ứng lao động rất khó khăn trong tuyển nhân lực mới, đáp ứng nhu cầu của đối tác. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đã bỏ lỡ các hợp đồng, đơn hàng có mức thu nhập cao vì không tuyển được lao động đạt yêu cầu.
Trước mắt, người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao thì phải đầu tư tiền bạc, thời gian học để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nghề của mình. Hiện mức thu nhập cho người lao động có trình độ chuyên môn nhất định khá cao.
Ví dụ, người lao động sang Trung Đông có chứng chỉ nghề quốc tế sẽ nhận mức 1.200 - 1.500 USD thay vì mức thu nhập 400 - 500 USD, làm tốt thu nhập tới 1.800 - 2.000 USD.
Không chỉ được trả mức thu nhập tốt, việc người lao động có kiến thức, trình độ cũng là yếu tố giúp họ có vị trí vững vàng hơn trong công việc khi xảy ra khủng hoảng. Ví dụ như đại dịch COVID-19, người lao động trình độ phổ thông sẽ bị cắt giảm, người có năng lực vẫn được giữ lại.
* Thưa ông, tựu trung lại, thế mạnh của lao động Việt Nam là gì? Chúng ta còn gì phải cải thiện trong thời gian tới?
- Thế mạnh của lao động Việt Nam rất cần cù, chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn. Điểm yếu là trình độ lao động, còn tuyển lao động phổ thông, làm công việc đơn giản, thu nhập không cao.
Một số doanh nghiệp tuyển lao động tự do, đào tạo ngắn hạn, sơ sài, không giáo dục nghề nghiệp kỹ nên một bộ phận vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật. Thậm chí, có em chấp hành hợp đồng nhưng người sử dụng lao động hoặc quản lý lao động xử lý mức độ vi phạm nặng hơn do các em chưa biết xử lý.
Thách thức lâu dài vẫn là nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, kỷ luật, ngoại ngữ.
* Theo ông, làm thế nào để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sắp tới hiệu quả hơn?
- Chính phủ cần có chính sách thu hút, thúc đẩy, phát triển ngành nghề, kỹ năng Việt Nam cần trong tương lai hoặc Việt Nam hướng tới hiện nay như cơ khí, đóng tàu, kỹ thuật ôtô, điện tử.
Đặc biệt, đối tượng làm điều dưỡng rất cần vì Việt Nam đối diện già hóa dân số, các nước thiếu người hỗ trợ người bệnh trong các nơi điều trị. Nhà nước cũng cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài để ba nhà gồm nhà trường - nhà doanh nghiệp và Nhà nước cùng đạt được lợi ích.
Hiện chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình...
Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ... Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối với quy chuẩn nước họ.
* Để tìm được thông tin chính thống, người lao động có thể tìm thông tin ở đâu, thưa ông?
- Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và tuyệt đối không thông qua trung gian.
Thực tế, không phải ai cũng nắm được hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm lao động... nên thường tìm người quen giới thiệu hoặc qua môi giới. Thứ hai, người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi ".vn".
Thứ ba, người lao động nộp chi phí trực tiếp qua doanh nghiệp, không nộp qua trung gian hay các chi nhánh để tránh mất tiền oan. Thứ tư, khi nộp tiền người lao động cần lấy phiếu thu có đủ dấu, tên doanh nghiệp.
Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
* Cảm ơn ông!